Trốn đóng bảo hiểm xã hội: Thiết lập chế tài xử phạt để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp Chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ngày càng phức tạp |
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) quy định về các tội danh trong lĩnh vực BHXH, trong đó có Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (Điều 214), Tội gian lận BHYT (Điều 215) và Tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN (Điều 216).
Theo đó, ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP (Nghị quyết số 05) hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 do đây là các tội danh mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ Luật Hình sự để thống nhất áp dụng trong thực tiễn.
Công tác thanh tra đóng BHXH đang được tăng cường. Ảnh: TTXVN |
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, ngày 22/01/2020 BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 239/BHXH-PC hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tiếp nhận, xử lý thông tin, lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố (KNKT).
Sau khi Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, BHXH Việt Nam thông tin, tại nhiều địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã tham mưu UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt, từ tháng 9/2019, khi Nghị quyết số 05 có hiệu lực thi hành, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam về lập hồ sơ kiến nghị khởi tố.
Thống kê cho thấy, tính từ năm 2018 đến hết 31/12/2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra, trong đó có 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214 về Tội gian lận BHXH, BHTN, 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215 về Tội gian lận BHYT, 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Riêng năm 2023, toàn ngành phát sinh 26 hồ sơ kiến nghị khởi tố (17 hồ sơ theo Điều 214, 01 hồ sơ theo Điều 215, 08 hồ sơ theo Điều 216).
Tính đến nay đã có 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan BHXH là 2.690.508.989 đồng, số tiền cơ quan BHXH đã thu hồi được từ thi hành án đạt 2.381.982.535 đồng (chiếm 88,5% số tiền phải thi hành án); 220 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho hay, trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố, cơ quan BHXH các địa phương còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, thực tiễn công tác gửi kiến nghị khởi tố cho thấy, hầu hết các hành vi cơ quan BHXH xem xét, lập hồ sơ gửi kiến nghị khởi tố được xác định là hành vi chậm đóng, theo đó, đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người tham gia BHXH, số tiền khải đóng, khấu trừ tiền lương của người lao động để đóng BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa đóng được cơ quan Công an xác định là không có thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác nên không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 216.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra không thụ lý hồ sơ do quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan BHXH ban hành được xác định đối với hành vi chậm đóng nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định. Ngoài ra, Biên bản xử phạt vi phạm hành chính xác định chủ thể là đơn vị sử dụng lao động nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân không có căn cứ.
Ngoài ra, đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), cơ quan điều tra có ý kiến “Đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật”. Tuy nhiên, hiện việc khởi kiện của tổ chức công đoàn hiện đang gặp nhiều vướng mắc nên hầu như không thực hiện được trên thực tế do khó khăn trong việc thực hiện quy định về ủy quyền của người lao động và thực tế triển khai của tổ chức công đoàn.
BHXH Việt Nam cho hay, tính đến nay, trên thực tế chưa có vụ án nào liên quan Điều 216 được đưa ra xét xử do cơ quan Công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đủ điều kiện thụ lý; cơ quan BHXH gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở, tiền đề để xử lý hình sự về tội trốn đóng.
Mặt khác, theo Điều 216 chỉ xử lý được với pháp nhân, khó áp dụng với cá nhân do chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT đối với cá nhân là người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động.
Vì vậy, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT; góp phần hoàn thành nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam kiến nghị cần thiết nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT trong dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo sự đồng bộ với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức, thực hiện.
Đồng thời, theo BHXH Việt Nam, cần có hướng dẫn cách thu thập hồ sơ tài liệu đảm bảo điều kiện cần và đủ trước khi gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra, nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển hóa hồ sơ, tài liệu thành chứng cứ phục vụ công tác điều tra, khởi tố đối với tội danh trốn đóng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.