Kiến nghị nâng cao hiệu quả việc xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội Hà Nội: Công bố danh sách doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội tháng 2/2024 |
Nhiều năm nay, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi chính đáng của người lao động. Mặc dù cơ quan BHXH và các đơn vị liên quan của tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng đến nay tình trạng này vẫn là “bài toán khó”.
Hàng trăm doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm
Theo số liệu từ BHXH tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 209 doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 13 tháng đến 24 tháng, số tiền chậm đóng tính đến ngày 31/12/2022 là hơn 22,5 tỷ đồng, số phải trích nộp đến 31/3/2024 hơn 28 tỷ đồng, tổng số tiền phải trích nộp là 50,6 tỷ đồng, đến nay đã trích nộp được hơn 19,5 tỷ đồng, còn chậm đóng hơn 31 tỷ đồng.
Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT chậm đóng BHXH gần 30 tỷ đồng. (Ảnh CTV) |
Có 356 doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên 24 tháng có số tiền chậm đóng tính đến ngày 31/12/2022 là hơn 193,5 tỷ đồng, số phải trích nộp đến 31/3/2024 là gần 47,6 tỷ đồng, tổng số tiền phải trích nộp là hơn 241 tỷ đồng, đã trích nộp là 14 tỷ đồng, còn chậm đóng hơn 227 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa có 520 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, tính đến ngày 31/3/2024. Cụ thể, có 19 đơn vị đã trích nộp được hơn 274 triệu đồng để hoàn thành hết phần chậm đóng với cơ quan BHXH; 28 đơn vị thực hiện trích nộp gần 746 triệu đồng khắc phục một phần và còn chậm đóng hơn 8 tỷ đồng; 473 đơn vị chưa thực hiện trích nộp với số tiền chậm đóng là 112,3 tỷ đồng.
Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn và thời gian kéo dài, nhưng vẫn chưa thực hiện việc trích nộp theo quy định, dẫn đến số tiền chậm đóng ngày càng tăng và tăng với số tiền lớn, như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT (gần 30 tỷ đồng); Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa (16,7 tỷ đồng); Công ty CP Lilama 5 (11,66 tỷ đồng); Công ty CP Xi măng Công Thanh (4,46 tỷ đồng); Công ty TNHH một thành viên JLG Vina (5,6 tỷ đồng); Công ty cổ phần Bỉm Sơn Viglacera (1,4 tỷ đồng); Chi nhánh tại Thanh Hóa - Công ty Cổ phần đầu tư và khoáng sản FLC STONE- Yên Định (1,46 tỷ đồng); Công ty CP vật tư tổng hợp Thanh Hóa (1,4 tỷ đồng); Công ty TNHH VIHA- Yên Định (914 triệu đồng); Công ty CP xây dựng VACIC…
Công ty Cổ phần xây dựng HANCORP.2, Phường Quảng Thịnh, TP. Thanh Hoá chậm đóng, trốn đóng BHXH với số tiền hơn 39,8 tỷ đồng. (Ảnh CTV) |
Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thanh kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được tiền chậm đóng, như: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838, Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long, Công ty CP xây dựng Hancorp.2, Công ty Cổ phần Thiện Xuân - Lam Sơn, Công ty TNHH Hà Thịnh- Hà Trung, Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn- Nghi Sơn; Công Ty Cổ Phần Sản Xuất, Thương Mại và Dịch Vụ Vận Tải An Huy- Nghi Sơn…
Quyền lợi của công nhân, lao động bị xâm hại
Đánh giá về nguyên nhân chậm đóng, trốn đóng BHXH, ông Nguyễn Đức Tuấn - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ - thẻ BHXH Thanh Hóa cho biết: Do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn phải giảm lao động, thu hẹp sản xuất… không có khả năng và chưa thực hiện nghiêm việc đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN; việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, kết quả chưa cao; một số doanh nghiệp bị xử phạt hành chính tuy nhiên đến nay vẫn chưa thu được số tiền phạt vi phạm hành chính và số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hiện nay không còn văn phòng giao dịch, không hoạt động sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa nhưng số tiền chậm đóng lớn, như: Công ty Cổ phần xây dựng số 5 (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội); Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4, (Hà Đông, Hà Nội) cũng là nguyên nhân nợ đọng BHXH kéo dài và không có khả năng thu.
Chị Lê Thị Xuân, trú tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa, trước đây là công nhân Công ty CP xây dựng Hancorp.2 cho biết: "Công ty không đóng BHXH cho công nhân nên quyền lợi của chúng tôi không được bảo đảm. Đã hơn 5 năm nay, cứ mỗi đi khám bệnh là tôi không được hưởng chế độ BHXH. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhưng do công ty giờ phá sản nên cũng đành cắn răng."
Còn chị Hoàng Thị Hoa, ở phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa, nhân viên Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT than thở: "Do công ty không đóng BHXH cho cơ quan BHXH, nên nhiều nhân viên khi ốm đau, sinh đẻ không được hưởng chế độ. Vừa rồi tôi sinh cháu nhưng cũng không được hưởng các chế độ từ BHXH".
Cán bộ BHXH tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn, tuyên truyền cho công nhân, lao động về chế độ, quyền lợi khi tham gia BHXH (Ảnh BHXH Thanh Hóa). |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Mai Bá Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc các doanh nghiệp chậm đóng BHXH đã làm cho công nhân, lao động lo lắng, bất an khi tham gia quan hệ lao động. Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng, nhất là khi ốm đau, thai sản và tai nạn lao động mà không được thanh toán chế độ, hoặc thanh toán không kịp thời. Một số lao động đến tuổi nghỉ hưu không chốt được sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, gây khó khăn cho người lao động; thậm chí có người lúc chết nhưng không được hưởng chế độ vì doanh nghiệp chưa đóng BHXH.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đối thoại nhằm nâng cao trách nhiệm người sử dụng lao động trong việc thực hiện việc đóng BHXH cho người lao động và tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa việc đống BHXH; Công khai danh sách các đơn vị chậm đóng BHXH với số tiền lớn, chậm đóng kéo dài; đề nghị cơ quan chức năng giới hạn hoạt động của doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH... tiến hành khởi kiện đối với các doanh nghiệp chậm đóng kéo dài. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm.
Công đoàn Nghi Sơn (Thanh Hóa) tổ chức hội nghị đối thoại với công nhân nhằm tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị về các quyền lợi và chế độ BHXH cho công nhân, lao động. (Ảnh: Quách Du) |
"Ngày 8/5/2024 sẽ có cuộc tiếp xúc Cử tri giữa Đoàn đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa với công nhân, lao động tại thị xã Nghi Sơn, chúng tôi cũng sẽ nêu ra những vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân, lao động” – ông Nam nhấn mạnh.
Cần quyết liệt hơn để giải quyết thực trạng nợ đọng BHXH
Để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, ông Nguyễn Đức Tuấn - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ - thẻ BHXH Thanh Hóa cho biết: Ngành BHXH tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ, như: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Kết luận số 189/KL-HĐND, Công văn số 1260-CV/TU, Kế hoạch số 122/KH-UBND, Kế hoạch số 144/KH-BCĐ, Công văn số 9647/UBND-KTTC, Công văn số 4159/UBND-VX và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.
BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo BHXH các huyện tiếp tục tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Tổ liên ngành thu tiền chậm đóng khi có thay đổi về công tác cán bộ. Báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, tranh thủ sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND huyện, Tổ trưởng Tổ liên ngành thu tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn trong quá trình thực hiện; Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyên truyền các quy định của pháp luật trong việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đặc biệt tập trung ở nhóm các đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên; thực hiện nghiêm quy trình quản lý, đôn đốc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN theo quy định; phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan đối thoại trực tiếp với chủ sử dụng lao động tại đơn vị chậm đóng để nắm bắt khó khăn kịp thời có giải pháp phù hợp tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi của người lao động; Tiếp tục triển khai và phối hợp triển khai thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động...
Cán bộ BHXH tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (Ảnh: BHXH Thanh Hóa). |
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có ký quy chế phối hợp như: Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức Công đoàn, các hội, đoàn thể… tăng cường công tác giám sát việc thực hiện BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đối với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn; Công khai danh tính các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Hy vọng, với sự quyết liệt của BHXH, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cùng với sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm có kết quả tích cực hơn, đảm bảo tốt những quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân, lao động.