EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện như giá xăng, dầu Nhiều "kịch bản" điều hành giá xăng, dầu Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cấm tư vấn sai, dùng các thủ đoạn để bán bảo hiểm |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 18/3, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên - đoàn Bình Thuận nêu, vừa qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, đây là một mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân và hiện nay mức giá còn cao. Một phần là do còn nhiều loại thuế, phí chiếm tỷ lệ cao như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về; phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc đến bến cảng...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn |
Đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Bộ trưởng cho biết, các loại chi phí này được tính như thế nào và chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá xăng, dầu. Việc tính như thế này thì giá có theo sát được tình hình thực tiễn trong bối cảnh biến động thế giới như hiện nay hay không? Đồng thời, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm bớt một số loại thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá.
Trả lời đại biểu Trần Hồng Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, giá xăng dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố như: Giá mua từ nhà máy hay mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Chi phí hình thành ban đầu chiếm khoảng 65-77%.
Còn thuế các loại, chẳng hạn như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế môi trường trong xăng, dầu chiếm từ 15-29%. Còn chi phí lợi nhuận định mức từ 1,2-2%.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, những năm vừa qua, để đảm bảo giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu. Trong cơ cấu thuế bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu, chẳng hạn 4.000 đồng/lít sẽ giảm xuống 2.000 đồng/lít, chỉ còn 50% và kéo dài từ năm 2021 cho đến nay.
“Có lẽ sẽ thực hiện đến hết năm nay về bình ổn giá xăng dầu” - Bộ trưởng nói, đồng thời chia sẻ, khi chúng ta hạn chế năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, thì đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên nhưng phải đảm bảo cho kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế nên đã có biện pháp giảm thuế.
Còn chi phí định mức như đại biểu nói thực ra chiếm từ 7-12% là chi phí vận chuyển thì các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ thống kê có hợp đồng và hồ sơ gửi cho Bộ Công Thương. Bộ Công Thương tập hợp để xác định vào trong cơ cấu của giá xăng dầu, sau đó thỏa thuận với Bộ Tài chính. Khi thỏa thuận với Bộ Tài chính xong sẽ quay về Bộ Công Thương công bố giá xăng dầu cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - đoàn Gia Lai chất vấn tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính: Bộ trưởng đã thông tin thì chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức là một trong những yếu tố để cấu thành lên giá xăng dầu.
Tuy nhiên, nhiều cử tri phản ánh là trong thời gian qua việc điều chỉnh và thông báo của Bộ Tài chính chưa kịp thời, dẫn đến giá xăng dầu được xác định là chưa phù hợp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về nội dung này cũng như trong thời gian tới có những thay đổi gì trong việc xác định, điều chỉnh thông báo với Bộ Công Thương về chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức để tính giá xăng dầu?
Trả lời câu hỏi liên quan đến chi phí định mức về xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, chi phí định mức về xăng dầu chỉ chiếm từ 7% cho đến 12%. Quy trình để thực hiện chi phí này trước đây các doanh nghiệp đầu mối sau một kỳ điều hành sẽ tập hợp các hồ sơ và các chi phí của mình lên gửi cho Bộ Công Thương 1 bộ và gửi cho Bộ Tài chính 1 bộ.
Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào hồ sơ đó để tính bình quân gia quyền và lấy từ kết quả đó để thông báo lại cho Bộ Công Thương để Bộ Công Thương đưa vào giá cơ sở.
Điều đó có nghĩa các chi phí này, chúng tôi chấp nhận các chi phí thực tế hợp lý của doanh nghiệp đầu mối. Chúng tôi không bắt ép các doanh nghiệp đầu mối phải vận chuyển từ nơi sản xuất đến cảng là từng này, hoặc từ nước ngoài về với giá từng này. Giá đó là do các doanh nghiệp chủ động và được tính trong giá cơ sở theo phương pháp bình quân gia quyền.