Sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn nếu giá vẫn cao Bộ Nông nghiệp tiếp tục yêu cầu 17 doanh nghiệp giảm giá thịt lợn |
Người tiêu dùng vẫn quen dùng thịt lợn "nóng", chủ yếu bán tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh. Ảnh: Cấn Dũng |
Thời gian vừa qua, giá thịt lợn tăng khá cao, có thời điểm “lập đỉnh” mới. Theo ông, nguyên nhân tại sao?
Theo tôi, có 3 nguyên nhân khiến giá thịt lợn trong thời gian vừa qua tăng cao.
Thứ nhất, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn tăng đột biến, dẫn tới giá tăng cục bộ.
Ông Trần Duy Đông |
Thứ hai, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành đã làm tốt công tác đảm bảo nguồn cung và làm tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường, nhưng theo tính toán của chúng tôi, số lượng nhập khẩu chưa đảm bảo với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo về giá. Đó là trong quý I/2020 phải nhập khẩu 100 nghìn tấn. Mặc dù, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) cũng tích cực trong công tác tái đàn, triển khai từ tháng 10 năm ngoái, tuy nhiên việc tái đàn và nuôi trồng sinh học theo mô hình khép kín cũng phải cần thời gian nhất định để đưa đàn lợn, số lượng lợn đáp ứng đủ cho tiêu thụ trong nước.
Thứ ba, tuy đã nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, nhưng lượng tiêu thụ chậm, do thói quen tiêu dùng chủ yếu vẫn thích tiêu dùng thịt lợn "nóng", chủ yếu bán tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh. Chính vì thói quen này dẫn đến có nhiều lò mổ, chăn nuôi giết mổ nhỏ lẻ làm trung gian khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng tại chợ truyền thống, chợ dân sinh đẩy lên tương đối cao. Ví dụ những cơ sở chăn nuôi lớn như Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, khi sản xuất ra có những công ty vệ tinh thu gom, một ngày thu gom 1.000-2.000 con lợn. Sau đó, lại đưa qua công ty khác từ 100-200 con lợn và bắt đầu chuyển cho các cơ sở giết mổ không tập trung, giết mổ một ngày 10-20 con. Chính thói quen tiêu dùng này đã tồn tại khâu trung gian, lò giết mổ lại nhỏ lẻ không tập trung, dẫn đến người tiêu dùng không thể tiếp cận trực tiếp, vì họ chỉ mua với số lượng nhỏ lẻ.
Theo văn bản chỉ đạo ngày 12/3, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN & PTNT phối hợp cùng Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung, đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống thấp hơn nữa. Vụ Thị trường trong nước cũng đã đi kiểm tra về nguồn cung và tình hình giá thị lợn. Vậy thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong thực hiện các giải pháp cụ thể nào để đảm bảo bình ổn giá thịt lợn, thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm có Bộ Công Thương (với sự tham gia của Cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Bộ NN & PTNT đi kiểm tra và làm việc với những doanh nghiệp sản xuất lớn thịt lợn trên cả nước như Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Qua kiểm tra, chúng tôi đã nắm chi phí, giá thành sản xuất, đầu vào, đầu ra, cũng như việc bán ra đã hợp lý chưa, liệu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay không. Từ đó, có những khuyến nghị với các nhà sản xuất lớn về mặt hàng thịt lợn cùng chung tay, chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng trong việc giảm giá bán. Đồng thời làm tốt công tác bình ổn thị trường, cũng như kiểm soát lạm phát.
Về phía Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN & PTNT hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi sống để đảm bảo nguồn cung tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các hệ thống phân phối làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chuyển tiêu dùng từ thịt lợn "nóng" sang thịt lợn đông lạnh. Mặt khác, Bộ Công Thương đề nghị các Sở Công Thương địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chế biến, sử dụng thịt lợn đông lạnh để đưa các sản phẩm chế biến từ thịt lợn đông lạnh vào hệ thống phân phối. Qua đó, giảm tải áp lực đối với thịt lợn "nóng" cần tiêu dùng trực tiếp hàng ngày.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt công tác về đầu cơ, găm hàng hoặc việc vận chuyển buôn bán thịt lợn trái phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời tính toán các phương án khi dịch bệnh đã bị đẩy lùi, nhu cầu thị trường Trung Quốc hút mặt hàng thịt lợn thì phải phải gia tăng khâu kiểm soát và nhu cầu mặt hàng này.
Xin cảm ơn ông!