Cụ thể, việc triển khai công tác PVTM, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế đã được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh: Trước hết là hoàn thiện cơ sở pháp lý về PVTM, theo đó, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (có một chương riêng về PVTM, thay thế các pháp lệnh cũ), Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM cùng các thông tư hướng dẫn về cơ bản tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế để triển khai công tác PVTM hiệu quả hơn.
Công tác PVTM sẽ tiếp tục được đẩy mạnh |
Về mặt tổ chức, thực hiện Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 98/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Cơ quan quản lý Nhà nước về PVTM (Cục PVTM) đã được thành lập để làm đầu mối triển khai công tác quản lý nhà nước về PVTM.
Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành hàng loạt các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM, cụ thể: Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Việc ban hành Đề án thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp PVTM của các nước, qua đó bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, hướng tới chủ trương xuất khẩu bền vững.
Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Nghị quyết thể hiện đường lối nhất quán của Việt Nam trong việc tôn trọng các nguyên tắc và quy định trong thương mại quốc tế, coi hành vi gian lận, lẩn tránh xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp PVTM là trọng tâm cần được ngăn chặn, xử lý nhằm bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.
Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Đề án là cơ sở để Bộ Công Thương xây dựng hệ thống theo dõi tình hình xuất nhập khẩu của một số ngành hàng quan trọng với các đối tác có kim ngạch lớn, đồng thời phân tích dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau, từ đó nhận diện nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM cũng như hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.
Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025. Chương trình là một bộ phận của Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt.
Chương trình tổng thể này, theo Cục PVTM, Bộ Công Thương cùng với các văn bản pháp luật liên quan, sẽ tạo nền tảng cho việc triển khai các chính sách, biện pháp về PVTM phù hợp với cam kết quốc tế để phát triển các ngành sản xuất trong nước, thực hiện thành công các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Bên cạnh đó là Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19/5/2020 của Bộ Công Thương triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Đến nay, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và công ăn việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.
Đặc biệt, các biện pháp PVTM kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng như bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước trong các vụ việc chống bán phá giá với ước tính chiếm khoảng 5,12% tổng GDP Việt Nam năm 2019. Nhờ công cụ PVTM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.
Để tiếp tục triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác PVTM, khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, công tác PVTM sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở một số định hướng: Nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội.
Đồng thời, thúc đẩy hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM. Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và thực tiễn xử lý PVTM của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hệ thống văn bản pháp luật cùng hàng loạt các chương trình, đề án lớn về PVTM đã được ban hành, triển khai; các biện pháp PVTM kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Từ đó cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động trực tiếp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. |