Phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó, bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
Tin hoạt động 04/12/2020 11:47
Số vụ việc PVTM gia tăng nhanh
Ngày 23/11/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm sợi dún polyester (polyester textured yarn - PTY) nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Nguyên đơn đã cáo buộc sản phẩm PTY bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ, gây ra thiệt hại đáng kể đối với nhà sản xuất sở tại.
Bộ Công Thương luôn theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc PVTM nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam |
Được biết, tổng kim ngạch xuất khẩu PTY của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 3 năm từ 2017 - 2019 lần lượt là 490 ngàn USD, 778 ngàn USD và 4,5 triệu USD. Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 8,7 % tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ trong giai đoạn từ tháng 9/2019 - tháng 8/2020. Theo đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng, nên Bộ Công Thương đang theo dõi sát sao các thông tin, diễn biến vụ việc để đảm bảo việc cơ quan điều tra tuân thủ đúng các quy định của WTO về điều tra chống bán phá giá.
Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, Cục PVTM, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp hiện đang sản xuất mặt hàng sợi PTY ở Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Tham gia, hợp tác đầy đủ trong quá trình thẩm tra vụ việc, bởi DOC có quyền sử dụng những dữ liệu sẵn có để ban hành kết luận điều tra nếu các doanh nghiệp không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM trong quá trình xử lý vụ việc.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp thì xu thế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo hộ sản xuất trên thế giới tiếp tục gia tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) nước ngoài áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ...
Trong 3 quý đầu năm 2020, tổng số lượng các vụ việc khởi xướng điều tra PVTM là 30 vụ việc, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019 (10 vụ). Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ với tổng số 39 vụ việc, Ấn Độ với 26 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ với 23 vụ việc, Canada và Úc cùng 16 vụ việc. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra PVTM với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).
Nhằm ứng phó với các vụ kiện PVTM bảo vệ bảo hộ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu tại nước ngoài, thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm: Phối hợp với các bộ/ngành liên quan và các địa phương cung cấp thông tin chính thức để trả lời cơ quan điều tra nước ngoài theo yêu cầu; Đề nghị cơ quan điều tra nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi của mình; Theo dõi, giám sát quá trình điều tra để kịp thời có ý kiến khi cơ quan điều tra nước ngoài có dấu hiệu vi phạm quy định của WTO; Khiếu nại biện pháp của nước ngoài tới Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO rõ ràng.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các cơ quan Chính phủ liên quan, cũng như với các hiệp hội và doanh nghiệp, Việt Nam đã thu được những kết quả tích cực trong quá trình kháng kiện với thành công 65/151 vụ việc, chiếm tỷ lệ 43%, cao hơn nhiều so với mức bình quân trên thế giới. Đối với các vụ việc về điều tra chống trợ cấp, Việt Nam đã xử lý thành công các cáo buộc liên quan tới chính sách ưu đãi của Chính phủ, dẫn đến việc trong nhiều vụ việc, cơ quan điều tra kết luận thuế suất chống trợ cấp ở mức trợ cấp không đáng kể.
Đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành liên quan để tiến hành tham gia đàm phán, thỏa thuận song phương, tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên khác của WTO, phối hợp với luật sư nghiên cứu các thủ tục pháp lý thực hiện công tác khiếu kiện nước ngoài theo cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO. Chính vì vậy, trong năm vụ Việt Nam tiến hành khiếu nại tại Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, có 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực. 2 vụ việc còn lại vẫn đang trong giai đoạn xét xử tại WTO.
Bên cạnh các vụ việc điều tra mới khởi xướng, Bộ Công Thương luôn theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc rà soát biện pháp với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực tới doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Điển hình là các vụ việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm, cá tra do Hoa Kỳ điều tra, áp dụng từ những năm 2002.
Tính đến hết năm 2019, sản phẩm tôm đã trải qua 14 lần rà soát, sản phẩm cá tra đã trải qua 15 lần rà soát. Trong mỗi lần rà soát, doanh nghiệp và Chính phủ đều phải đầu tư nguồn lực để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trong thương mại quốc tế, Bộ Công Thương luôn đồng hành và có những phương án xử lý kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, mặc dù vẫn bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá nhưng sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam vẫn đạt được kim ngạch xuất khẩu lớn, giữ ổn định thị trường trong suốt những năm qua.
Doanh nghiệp chủ động đối diện
Tại Hội thảo “PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - nhấn mạnh, các biện pháp PVTM là một thực tế phổ biến trên thế giới trong bối cảnh tự do hóa thương mại mà chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp, sớm hay muộn cũng sẽ phải đối diện.
Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương, việc ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Công Thương đã có đề nghị doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá “nóng” vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu của mình. Trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM và chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM. Đồng thời, doanh nghiệp cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế có những diễn biến phức tạp, nhằm xử lý một số hệ quả có thể phát sinh, Bộ Công Thương đã xây dựng hệ thống theo dõi tình hình xuất nhập khẩu của một số ngành hàng quan trọng với các đối tác có kim ngạch lớn; đồng thời phân tích dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau, từ đó nhận diện nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM cũng như hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.