Khủng hoảng Biển Đỏ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu Khủng hoảng Biển Đỏ và bài toán về kinh tế, quân sự châu Âu Tàu thương mại ở Biển Đỏ tiếp tục bị tấn công bằng tên lửa |
Theo Chủ tịch SCA của Ai Cập, ông Osama Rabie, hơn 6.600 tàu đã chuyển hướng khỏi kênh đào Suez để chọn tuyến đường dài hơn và đắt đỏ hơn qua Mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi kể từ ngày 19/11/2023, do căng thẳng ngày càng leo thang ở khu vực Biển Đỏ.
“Doanh thu từ kênh đào Suez trong năm tài chính 2023-2024 đã giảm 23,4% so với năm tài chính trước đó, xuống còn 7,2 tỷ USD”, ông Rabie phát biểu tại Diễn đàn logistics toàn cầu diễn ra mới đây ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 6/2023, kênh đào Suez đã ghi nhận mức doanh thu 9,4 tỷ USD.
Tàu container của hãng Maersk. Ảnh: AP |
Theo ông, số lượng tàu di chuyển qua kênh đào Suez trong năm tài chính 2023-2024 giảm 22,16% so với năm tài chính 2022-2023, xuống còn 20.148 tàu.
Chủ tịch SCA gọi tình hình hiện tại ở Biển Đỏ là cuộc khủng hoảng đặc biệt, đồng thời nêu bật những thách thức an ninh đối với sự bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông khẳng định bất chấp tình trạng gián đoạn hiện nay, kênh đào Suez vẫn là tuyến hàng hải quan trọng nhất, ngắn nhất và an toàn nhất so với các tuyến đường thay thế như tuyến qua Mũi Hảo Vọng, vốn thiếu tính bền vững và các dịch vụ hàng hải.
“Việc các tàu chọn tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng để đến châu Âu sẽ tốn nhiều thời gian hơn, lên tới 15 ngày, dẫn đến chi phí tăng vọt”, ông Rabie nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cho biết thêm, SCA đã giới thiệu nhiều dịch vụ hàng hải khác nhau cho khách hàng trong các trường hợp bình thường và đặc biệt. Các dịch vụ này bao gồm bảo trì và sửa chữa tàu, kiểm soát ô nhiễm, cung cấp nhiên liệu, loại bỏ chất thải rắn, dịch vụ cứu thương hàng hải và thay đổi thuyền viên.
“SCA hiện đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác để phát triển các cảng và thành lập các bến container, với sự phối hợp của Bộ Giao thông Vận tải Ai Cập”, Chủ tịch SCA lưu ý.
Trước đó, một quan chức Ai Cập ngày 6/10 tiết lộ, doanh thu của kênh đào Suez đã giảm 60%, trong khi số lượng tàu thuyền đi qua tuyến đường thủy kết nối châu Á với châu Âu đã giảm 49% kể từ đầu năm 2024, do căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đỏ.
Kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát vào tháng 10 năm ngoái, lực lượng Houthi ở Yemen đã nhiều lần tấn công các tàu thuyền qua lại trên Biển Đỏ và Vịnh Aden có liên kết với Israel, nhằm thể hiện sự đoàn kết với Palestine trong cuộc xung đột ở Dải Gaza, làm gián đoạn giao thông hàng hải ở Biển Đỏ.
Nhiều công ty vận tải buộc phải chuyển hướng khỏi con kênh đào của Ai Cập và chọn tuyến đường biển quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, xa hơn nhưng an toàn hơn.
Kênh đào Suez là tuyến hàng hải quan trọng nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ, chiếm khoảng 12% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập bên cạnh du lịch và kiều hối.
Việc Ai Cập liên tiếp đón nhận những tin không vui về sự sụt giảm doanh thu của Kênh đào Suez diễn ra trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng trong thời gian qua, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế quốc gia.