Biển Đỏ phản chiếu những khó khăn về kinh tế và quân sự châu Âu
Theo bài viết của tác giả Laurent Célérier, giảng viên Trường Sciences Po (Pháp) đăng tải trên trang web của Viện Montaigne, kể từ khi lực lượng Houthi bắt giữ một tàu chở hàng và công bố vào ngày 20/11/2023, eo biển Bab el-Mandeb từ chỗ là điểm trung chuyển chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải dầu mỏ, trở thành một nút thắt kinh tế. Ngày 20/11, khi tàu buôn Galaxy Leader bị lực lượng biệt kích dân quân Houthi bắt giữ ở phía Nam Biển Đỏ được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cuộc tấn công này là minh chứng về sự hỗ trợ của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen dành cho Hamas trong việc phản đối Israel tiến hành các hoạt động quân sự ở Dải Gaza.
Sáu tháng sau đó, khi mà hơn 50 cuộc tấn công nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ đã xảy ra, làm hư hại hơn 15 tàu, tình hình khu vực Nam Biển Đỏ dường như là tấm gương phản chiếu những khó khăn về kinh tế và quân sự của châu Âu.
Eo biển Bab el Mandeb, điểm trung chuyển chiến lược cho thương mại hàng hải quốc tế và là nơi 12% lượng tàu vận tải toàn cầu đi qua với 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, đã trở thành khu vực có tình trạng mất an ninh cao, gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải giữa châu Âu và châu Á. Đầu tháng 4, lượng tàu vận tải qua eo biển này đã giảm 50% so với năm 2023, từ hơn 500 tàu mỗi tuần xuống còn khoảng 250 tàu.
Tình trạng này làm tăng chi phí đối với các chủ tàu: về chi phí bảo hiểm (tăng 100%) nếu tiếp tục cho tàu đi qua kênh đào Suez hoặc về thời gian vận chuyển (tăng 38% trên tuyến Shanghai-Rotterdam). Những chi phí bổ sung này góp phần gây ra lạm phát, đè nặng lên nền kinh tế và cuối cùng người tiêu dùng châu Âu phải gánh chịu. Không chỉ vậy, tình hình bất ổn ở Biển Đỏ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Ngay khi huyết mạch của thương mại toàn cầu bị tắc nghẽn, nền kinh tế châu Âu - vốn phụ thuộc vào dầu mỏ vùng Vịnh và thúc đẩy tối đa việc tối ưu hóa chuỗi giá trị của mình để tận dụng chi phí sản xuất thấp ở châu Á - sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Chiến dịch Aspides gặp thách thức lớn
Để đối phó với những cuộc tấn công ở Biển Đỏ, các quốc gia có năng lực hải quân và không quân đã nhanh chóng có mặt trong khu vực, đặc biệt là Mỹ với 3 khu trục hạm, Anh và Pháp mỗi nước có 1 khu trục hạm. Ngày 18/12/2023, Washington đã chủ động thành lập liên minh “Người bảo vệ thịnh vượng” (với sự tham gia của 10 nước gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italia, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Seychelles) và tiến hành các hoạt động chống lại Houthi ở Biển Đỏ. Các nước trên có thể tham gia ở các mức độ khác nhau, từ việc cử tàu khu trục nhỏ đến việc biệt phái sĩ quan liên lạc.
Cuối cùng, ngày 19/2, Hội đồng châu Âu đã quyết định tiến hành chiến dịch an toàn hàng hải mang tên “Chiến dịch Aspides”, đánh dấu cam kết cụ thể của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực về việc đảm bảo an ninh hàng hải. Chiến dịch Aspides tập hợp 19 quốc gia EU. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có 4 quốc gia thành viên (gồm Pháp, Đức, Italia và Hy Lạp) tham gia ở mức độ cao nhất khi cử các khinh hạm tham gia chiến dịch này.
Đầu tháng 4 vừa qua, chiến dịch đã tiêu diệt được 10 UAV gồm 9 chiếc trên không và 1 chiếc trên mặt nước, đánh chặn 4 tên lửa đạn đạo, hộ tống thành công 79 tàu và đáp ứng mọi yêu cầu hộ tống, ngay cả đối với các tàu không có liên hệ trực tiếp với EU.
Tuy nhiên, những kết quả đáng khích lệ này không che giấu được những điểm yếu của chiến dịch. Trước hết là về nhiệm vụ phòng thủ thuần túy. Người chỉ huy chiến dịch chỉ ra: “Chúng tôi không tấn công Houthi, mặc dù chúng tôi có thể làm vậy, nhưng chúng tôi có một nhiệm vụ khác. Nếu nhìn từ góc độ quân sự, chúng tôi thấy mình đang ở trong tình thế tồi tệ nhất có thể. Nói cách khác, chúng tôi luôn phải chờ đợi để trở thành mục tiêu của chúng”.
Kể từ giữa tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã triển khai UAV và tên lửa tấn công các tàu quốc tế trên Biển Đỏ. Ảnh: RIA Novosti |
Một nhiệm vụ như vậy là kết quả của sự thỏa hiệp giữa hiệu quả và việc giảm thiểu rủi ro leo thang, có thể gây tổn hại đến sự an toàn của các đoàn thủy thủ. Do vậy, đây là điểm yếu thứ hai của chiến dịch - tình thế bắt buộc phải phản ứng vào giây phút cuối cùng này đòi hỏi sự chuẩn bị tác chiến hoàn hảo, điều mà nhiều hải quân châu Âu khó đạt được. Thực vậy, khinh hạm Hessen của Đức suýt bắn nhầm một chiếc UAV Reaper của Mỹ và gặp sự cố khi phóng tên lửa RIM-162.
Ngày 23/4, tàu khu trục Hessen đã rời chiến dịch và tàu thay thế dự kiến sẽ đến trước tháng 8. Tàu khu trục Louise Marie của Bỉ khởi hành từ Zeebrugge ngày 10/3 vẫn chưa đến được khu vực hoạt động sau sự cố tên lửa RIM-7 Sea Sparrow. Trong khi người chỉ huy chiến dịch ước tính rằng cần gấp đôi số tàu khu trục để tái thiết lập mức độ an ninh cần thiết trên biển, thì khả năng của EU trong việc duy trì thường trực 4 tàu này với chất lượng tốt đã là một thách thức.
Khôi phục an toàn hàng hải ở Biển Đỏ
Tình hình Biển Đỏ không chỉ cho thấy sự thận trọng ở mức độ nào đó trong chiến dịch, mà trên hết còn phản ánh sự mong manh của nguồn lực hải quân châu Âu, hệ quả của việc liên tục giảm quy mô hải quân trong 20 năm qua: Số tàu khu trục của EU đã giảm hơn 32% (từ năm 1999 đến năm 2018). Mọi nỗ lực đảm bảo an ninh ở Biển Đỏ phần lớn dựa vào Hải quân Pháp - vốn chiếm khoảng 20% năng lực hải quân của EU, không ngừng tham gia chiến dịch ở Biển Đỏ và thực hiện phần lớn các cuộc đánh chặn.
Khôi phục an toàn hàng hải ở Biển Đỏ là ưu tiên và cơ hội cho hải quân châu Âu. Trước mắt, cần nhanh chóng tăng cường huy động các nguồn lực hải quân sẵn có và trong trạng thái hoạt động ở mức độ thỏa đáng ở châu Âu. Điều này cũng đòi hỏi sự phối hợp tối ưu giữa “Chiến dịch Aspides” và liên minh “Người bảo vệ thịnh vượng”, cũng như với các tác nhân trong khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia và Ai Cập. Cuối cùng và trên hết, cần đẩy mạnh đòn bẩy ngoại giao để gây sức ép đối với Iran, đồng minh của lực lượng Houthi.
Trong trung hạn, cần nâng cao trình độ tác chiến của hải quân châu Âu thông qua đào tạo và triển khai các phương tiện hiệu quả chống UAV. Việc góp phần thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza cũng sẽ làm giảm căng thẳng ở eo biển Bab el Mandeb. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo Houthi sẽ ngừng thực hiện các cuộc tấn công vì đây là cách để họ làm nổi bật “sứ mệnh” trên phạm vi toàn cầu.
Như vậy, tình hình Biển Đỏ cho thấy hình ảnh về một châu Âu đang đấu tranh để duy trì sự thịnh vượng kinh tế và bảo vệ lợi ích về mặt quân sự. Biển Đỏ đóng vai trò như một tấm gương phản ánh những thách thức và tình trạng dễ bị tổn thương mà châu Âu đang phải đối mặt, đồng thời làm lộ rõ những điểm yếu và bất ổn của châu Âu.