Báo động tình trạng lộ, lọt thông tin người tiêu dùng
Bảo mật thông tin của người tiêu dùng là một trong những vấn đề rất quan trọng và cấp thiết, điều này không chỉ giúp người tiêu dùng hạn chế những rủi ro do bị lộ thông tin mà còn bảo đảm được quyền bí mật cá nhân của chính bản thân họ. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề xâm phạm quyền bí mật thông tin của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch diễn ra khá phổ biến và thường xuyên, gây ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng.
Gần đây, Bộ Công an cho biết, tình trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, công khai và ngày càng phức tạp. Những thông tin nhạy cảm bị đem ra trao đổi, buôn bán qua tay có thể gây nhiều hệ lụy tới người dùng.
Việc những doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như: Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán của khách hàng (visa, thẻ tín dụng).
Hay như việc tin tặc tấn công vào hệ thống máy chủ của Việt Nam Airlines, đăng tải lên internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng. Ngoài ra, các công ty môi giới dịch vụ taxi sử dụng thông tin của khách hàng bị lộ để mời chào dịch vụ qua tin nhắn SMS… là những vụ việc đáng báo động về vấn đề bảo mật thông tin của người tiêu dùng.
Tình trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân đáng báo động. Ảnh minh hoạ |
Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), khi người tiêu dùng thực hiện kết nối vào các trang web mua hàng trực tuyến, việc không cẩn thận khi cung cấp các thông tin cá nhân như: Số điện thoại, số chứng minh thư nhân dân, tài khoản ngân hàng… cũng có thể khiến bản thân người tiêu dùng trở thành “con mồi” của tội phạm mạng hoặc bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp.
Thực tế, việc lộ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại di động, tên tài khoản trên các mạng xã hội… khiến người tiêu dùng gặp nhiều rắc rối, phiền toái vì những tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo… Bên cạnh đó, với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, các thông tin đã thu thập được xử lý, tạo nên những trường dữ liệu về thông tin, hành vi người dùng mà ứng dụng, mạng xã hội có thể bán cho những bên thứ 3 cần mua để quảng cáo. Do vậy, “khi đã công khai chia sẻ các dữ liệu cá nhân thì việc các dữ liệu này bị thu thập, bị xử lý và chia sẻ nằm ngoài tầm kiểm soát của người tiêu dùng” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.
Bảo mật thông tin của người tiêu dùng để nâng cao uy tín của doanh nghiệp
Từ những thực trạng trên, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng đang rất được quan tâm và là một vấn đề bức thiết.
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, hiện nay ở nước ta đã ban hành nhiều đạo luật, Nghị định liên quan đến bảo mật, thông tin nói chung, như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được Quốc hội khóa XIV thông qua Kỳ họp thứ 6 (ngày 15/11/2018); Luật An ninh mạnh được Quốc gội thông qua ngày 12/6/2018; Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, những quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành như các luật về viễn thông, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử đều đã có quy định về quyền cơ bản của công dân và bảo vệ thông tin cá nhân.
Chính vì vậy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trước, trong và sau quá trình thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải chấp hành, tuân thủ những quy định của pháp luật đã được ban hành về các quy định bảo vệ công nghệ thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng...
Bảo mật thông tin của người tiêu dùng vấn đề ‘sống còn’ của doanh nghiệp. Ảnh: Quế Anh |
Hơn hết, bảo mật thông tin của người tiêu dùng là một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động kinh doanh, những ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh và uy tín của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Vì vậy, “các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần xây dựng cho đơn vị mình một quy trình, quy chế bảo mật thông tin nói chung và bảo mật thông tin của người tiêu dùng nói riêng nhằm tuân thủ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và gia tăng lòng tin của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.
Đối với người tiêu dùng, cần phải tự có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của chính mình bằng cách nâng cao kiến thức về bảo vệ thông tin cá nhân, hiểu được trách nhiệm của bản thân với thông tin cá nhân của mình và chủ động kiểm tra, xác minh các chính sách bảo mật của doanh nghiệp trước khi đồng ý cung cấp các thông tin cá nhân. Không tùy tiện cung cấp các thông tin cá nhân cho các tổ chức, cá nhân khác mà chưa được kiểm chứng là đáng tin cậy.
Trước thực trạng mua sắm trực tuyến đang phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay có rất nhiều trang web, trang mạng xã hội bán hàng online, tuy nhiên các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm soát được các trang thương mại điện tử có đăng ký. Chính vì vậy, để tránh rủi ro khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần cảnh giác trước những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng... từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính, đánh cắp tài khoản...
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần lưu ý, hiện có rất nhiều ứng dụng có thể lưu trữ vị trí di chuyển, cũng như rất nhiều ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để biết các hoạt động như tìm kiếm, check-in, mua sắm, thậm chí là nghe lén. Do đó, vị trí truy cập trên các ứng dụng được khuyên cáo là chỉ nên chọn ở chế độ chỉ hiển thị vị trí khi dùng để tự bảo vệ mình khỏi bị lọt, lộ thông tin.
“Khi người tiêu dùng lỡ để lộ thông tin, dẫn tới bị làm phiền hoặc bị lừa đảo… thì không nên im lặng mà hãy phản ánh với các cơ quan, đơn vị chuyên trách nhằm đưa ra những cảnh báo, lưu ý cho những người khác” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.
Có thể thấy, thông tin cá nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc định danh một cá nhân cụ thể và giúp nhận diện với những cá nhân khác. Việc bảo vệ thông tin cá nhân của một người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo đảm quyền riêng tư, bí mật cá nhân. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam đã ghi nhận mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và được pháp luật bảo vệ.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, thông tin cá nhân đang bị xem như một loại hàng hóa có giá trị khi phải đối mặt với những hành vi thu thập, xử lý, mua bán trái phép, đặc biệt là thông tin của người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán hàng hóa được thực hiện ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Điều này đã và đang xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải tiếp tục bảo vệ kịp thời thông tin cá nhân của người tiêu dùng trước các nguy cơ bị xâm hại khi tham gia vào hoạt động giao dịch mua bán hàng hàng hóa tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.
Tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an đề xuất mức phạt đến 500 triệu đồng đối với hành vi để lộ thông tin cá nhân từ 1 - 5 triệu người, nếu số người bị lộ nhiều hơn thì phạt theo phần trăm doanh thu của doanh nghiệp. |