Phát huy tính ưu việt của bảo hiểm thất nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho người lao động Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được bổ sung và sửa đổi như thế nào? |
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, những tháng đầu năm 2023 đã có hơn 509.000 lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc là 279.409 người; hơn 195.000 lao động bị giảm giờ làm; hơn 17.000 người bị ngừng việc, nghỉ việc không lương và hơn 8.300 người tạm hoãn hợp đồng lao động.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 6/6, trả lời chất vấn Quốc hội về tình hình lao động, việc làm, công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp và công tác quản lý, phát triển bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu nguyên nhân của tình trạng này có những nguyên nhân do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động.
Ngoài ra, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. So với thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm thấp.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2023, thống kê từ cơ quan này đã tiếp nhận 632.790 lượt người gửi hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, so với cùng kỳ giảm 2,8% và cũng giảm so với số lượt tư vấn giới thiệu việc làm là 651.062 trường hợp.
Tổng số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng đầu năm là 274.592 người, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, số hỗ trợ học nghề là 7.308 người, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh khó khăn của người lao động hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh rằng, về vấn đề làm sao để bảo hiểm thất nghiệp trở thành bệ đỡ trong thị trường lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định gắn với Luật Việc làm. Trong Luật Việc làm đã quy định rất rõ về đối tượng, phạm vi cũng như việc sử dụng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ông cho rằng bản chất đây là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động và là bệ đỡ cho thị trường lao động.
Thời gian qua, ghi nhận cho thấy bảo hiểm thất nghiệp đã hoạt động rất cố gắng, tuy nhiên cũng còn nhiều điều phải điều chỉnh. “Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã báo cáo Chính phủ nội dung về sửa đổi Luật Việc làm, trong đó có một chương về bảo hiểm thất nghiệp”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Thời gian tới, để bảo hiểm thất nghiệp thực chất phải là bệ đỡ cho thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh phải xử lý làm sao để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn thì phải dùng bảo hiểm thất nghiệp này để hỗ trợ. Đặc biệt là quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp, miễn giảm chi phí hỗ trợ từ các nguồn kết dư quỹ khi kết dư được cao.
Về kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện khoảng 60.000 tỷ đồng. Thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thường vụ Quốc hội đã có quyết định chi 41.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp này, qua đó đã góp phần rất quan trọng nâng cao đời sống của người lao động lúc khó khăn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề cập thêm đó là cần củng cố niềm tin, sự hào hứng của người tham gia. Bởi với kết dư cao như vậy, cộng với một số quỹ khác nữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội nghiên cứu và cần phải tính toán làm sao sử dụng kết dư này có hiệu quả hơn.
Ngày 6/6, trước chất vấn của Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho rằng có ý kiến đề nghị Trung ương xem xét thành lập Quỹ hỗ trợ nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người lao động tương tự như chính sách hỗ trợ lao động trong đại dịch Covid-19 để giúp người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời xem xét bổ sung Quỹ quốc gia và việc làm đối với địa phương để có thêm nguồn thu nhập hỗ trợ cho người lao động.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2021, Bộ Tài chính đã chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị Covid-19; đã chi từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19 là 30,8 ngàn tỷ đồng. Năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Đức Phớc hiện nay, Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và trình với Thường vụ Quốc hội là sẽ chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
"Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỷ đồng. Điều này cho thấy Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn khó khăn, bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động"- ông Hồ Đức Phớc đánh giá.