Sửa đổi Luật việc làm: Những ai không được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Phát huy tính ưu việt của bảo hiểm thất nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho người lao động |
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm trong thời gian chờ tìm việc mới. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách này đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhất là chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp còn mờ nhạt.
Vì vậy, nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm với trọng tâm là sửa đổi các quy định, chế độ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Mở rộng đối tượng tham gia là định hướng lớn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp |
Theo đó, những định hướng lớn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp đó là mở rộng đối tượng tham gia; phát huy đầy đủ chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động để chính sách trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Quy định các vấn đề liên quan bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Cụ thể, tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn 1 năm trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung đối tượng người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động sẽ sửa đổi, bổ sung như sau:
Sửa đổi tên chế độ “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”, thành “hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”; sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện theo hướng tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động tiếp cận và thụ hưởng chính sách; quy định rõ người sử dụng lao động được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.
Về tư vấn, giới thiệu việc làm, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; bổ sung quy định về hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, kinh phí. Sửa đổi, bổi sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, sửa đổi quy định liên quan chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, sửa đổi quy định hưởng mức trợ chấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định…
Về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, như: sửa đổi tên chế độ “hỗ trợ học nghề” thành “hỗ trợ tham gia đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”; bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ bao gồm các khoá đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…
Đối với Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Sửa đổi, bổ sung quy định về mức đóng theo quy định người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…
Ngoài ra, bổ sung các quy định cụ thể về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 27-NQ/TW về định hướng, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội…
Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã nêu một số giải pháp đối với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể: Cần hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Việc làm nhấn mạnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trục lợi về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu thu, chi bảo hiểm thất nghiệp; cải tiến mô hình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với người lao động.
Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt mục tiêu cụ thể về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tỷ lệ này được nâng lên khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi giai đoạn đến năm 2030. Theo thống kê, hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc vượt mốc hơn 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong khi lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta năm 2022 đạt 51,7 triệu người. Như vậy, dư địa dành cho phát triển số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn rất lớn. |