Nhiều cơ sở để thị trường bán lẻ phục hồi
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng năm 2020 của cả nước đạt 4.590.702 tỷ đồng, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 6,22% với sự tăng trưởng của nhóm hàng hóa thiết yếu.
Việc bán lẻ phục hồi được thể hiện rõ nét trong các tháng cuối năm nhờ vào chính sách hỗ trợ của các gói kích cầu kinh tế từ Chính phủ, cũng như các chương trình hỗ trợ kết cung cầu hàng hóa của ngành Công Thương cả nước.
Đơn cử ở TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa như “60 ngày vàng khuyến mãi” (thu hút 1.242 DN đăng ký 1.745 chương trình với tổng giá trị khuyến mãi hơn 146 tỷ đồng) và loạt hội chợ, triển lãm khác. Từ đó tạo động lực giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy bán lẻ tăng trở lại.
Với tốc độ hồi phục này, các chuyên gia đánh giá, năm 2021 mảng bán lẻ của Việt Nam có thể sớm phục hồi trở lại mức trước đại dịch và quay trở lại xu hướng tăng trưởng.
Cụ thể, Phan Như Bách - Chuyên viên phân tích của Công ty CP Chứng khoán Vndirect - chỉ ra, ngành bán lẻ sẽ có nhịp bật trong năm 2021 nhờ vào niềm tin tiêu dùng hồi phục và vaccine cho đại dịch được phổ biến. Điều này dựa theo dữ liệu của The Conference Board và Nielsen trong quý II/2020, chỉ số “Niềm tin người tiêu dùng” của Việt Nam đạt 117 điểm, cao thứ hai trên thế giới, sau Ấn Độ với 123 điểm. Do đó, Vndirect kỳ vọng tiêu dùng sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 8,5-9% so với năm 2020.
Sẽ có 4 xu hướng bán lẻ chính trong năm 2021
Vndirect cũng chỉ ra một số xu hướng chính của ngành bán lẻ sau đại dịch như: Các công ty bán lẻ lớn nắm bắt cơ hội để tăng trưởng thị phần; thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu, mang lại thuận lợi cho các nhà bán lẻ hàng tạp hóa; Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến…
Trong đó, với xu hướng Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến. Theo Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế trực tuyến Việt Nam đang bùng nổ với doanh thu tăng trưởng 38% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 - 2019 để đạt đạt giá trị 12 tỷ USD, chiếm hơn 5% GDP của cả nước, chủ yếu được thúc đẩy bởi phân khúc thương mại điện tử đang phát triển mạnh. Theo báo cáo thống kê của WeAreSocial, tại thời điểm tháng 1/2020, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng dịch vụ Internet, tương đương hơn 2/3 dân số và hơn 146 triệu kết nối mạng dữ liệu di động. Như vậy, kênh trực tuyến sẽ trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế bán lẻ.
Năm 2020, ngoài các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Vinmart & Vinmart+ nhanh chóng nắm bắt xu hướng online hóa qua việc thúc đẩy mô hình app bán hàng trên điện thoại thì nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng “lấn sân” qua hình thức này.
Có thể kể tới trường hợp của Tập đoàn Phúc Sinh ra mắt giao diện website mới và mobile app KPHUCSINH nhằm phân phối trực tiếp các sản phẩm cà phê do doanh nghiệp này sản xuất. Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT của Phúc Sinh - chia sẻ, với việc ra mắt app này, chúng tôi hy vọng năm sau doanh số bán hàng trực tuyến sẽ chiếm khoảng 60-70% doanh thu của Phúc Sinh, đồng thời chúng tôi cũng sẽ bán thêm các sản phẩm chất lượng khác để đưa app trở thành một đại siêu thị cho người Việt.
Tương tự, gần đây Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cũng gia nhập mảng kinh doanh trực tuyến qua việc ra mắt website http://vissanmart.com. Mặc dù hiện tại website này chỉ phục vụ giao hàng ở cả các quận huyện nội thành TP. Hồ Chí Minh (trừ huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh), song nếu tốc độ phát triển tốt rất có thể doanh nghiệp sẽ mở rộng thêm trong tương lai.
Ngoài ra, trong năm 2021 sẽ có xu hướng các nhà phát triển bất động sản thương mại tận hưởng dòng chảy của các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam. Trên thực tế xu hướng mở rộng mạng lưới bán lẻ của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ vào năm 2020 nhờ vào tăng trưởng nhân khẩu học và thu nhập của Việt Nam. Có thể kể tới như Uniqlo đã mở loạt cửa hàng mới tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Watsons mở cửa hàng đầu tiên tại Vincom Center Đồng Khởi hay MUJI - thương hiệu bán lẻ sản phẩm gia dụng Nhật Bản đã mở cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh… Chính vì thế sự mở rộng mạng lưới bán lẻ của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam sẽ thúc đẩy lĩnh vực bất động sản thương mại trong tương lai, cả về diện tích cho thuê cũng như tăng trưởng về giá thuê đất thương mại.
Theo dự báo của Bộ Công Thương (MoIT), đến năm 2025, giá trị gia tăng của ngành thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9-9,5% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025. Với giả định tổng giá trị bán lẻ năm 2020 đi ngang so với năm 2019, các chuyên gia chứng khoán của Vndirect ước tính tổng giá trị bán lẻ sẽ đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần so với năm 2020. |