Sau phản ánh của Báo Công Thương về “Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND thị xã Bỉm Sơn vào cuộc và đã xử lý kỷ luật đối với Ban Giám hiệu Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn và những cán bộ có liên quan đến việc đưa 181 học sinh đi thực tập tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Sau khi Báo Công Thương vào cuộc làm rõ vụ việc, nhiều cán bộ của Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn đã bị xử lý kỷ luật |
Đến nay lương của các em học sinh cũng đã các công ty chi trả, toàn bộ các em học sinh khóa K15 Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn đã ổn định tư tưởng và trở lại trường tiếp tục học tập, hoàn thiện chương trình học. Vụ việc này là một bài học không chỉ đối với Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn.
Nhiều cá nhân bị xử lý kỷ luật
Sau khi xem xét, Ban Thường vụ Thị ủy Bỉm Sơn đã có Quyết định số 1828/QĐ-UBND ngày 6/10/2023 về việc xử lý kỷ luật khiển trách đối với ông Hứa Xuân Hương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn vì đã vi phạm, khuyết điểm trong việc tổ chức đưa học sinh đi thực hành, thực tập không đúng quy định gây mất uy tín của nhà trường.
Ông Hứa Xuân Hương bị xử lý kỷ luật khiển trách vì đã vi phạm, khuyết điểm trong việc tổ chức đưa học sinh đi thực hành, thực tập không đúng quy định |
Ngoài ra, UBND thị xã Bỉm Sơn cũng xử lý kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng khoa Giáo dục nghề nghiệp, trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn vì đã vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu đưa học sinh đi thực hành, thực tập không đúng quy định gây mất uy tín của nhà trường. Ban Thường vụ Thị ủy Bỉm Sơn đã yêu cầu Ban Giám hiệu Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.
Đánh giá về hình thức kỷ luật mà Ban Thường vụ Thị ủy Bỉm Sơn dành cho mình, ông Hứa Xuân Hương cho rằng: “Tôi đã nhận thức rõ vi phạm, khuyết điểm của mình trong việc tổ chức đưa học sinh đi thực hành, thực tập là không đúng quy định, nên tôi đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thị ủy xem xét những đóng góp của tôi nên đã kỷ luật khiển trách. Tôi đã nhận ra cái sai của mình. Cảm ơn Báo Công Thương đã phản ánh vụ việc để trường kịp thời sửa sai”.
Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về đào tạo nghề
Sau khi Báo Công Thương phản ánh bài viết: “Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 12642/UBND-VX, chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (các trường cao đẳng, trung cấp) trên địa bàn tỉnh trong việc đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập… để kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý các sai phạm (nếu có).
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh này có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 11 trường cao đẳng (4 công lập trực thuộc tỉnh, 2 cơ sở trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, 5 cơ sở tư thục), 15 trường trung cấp (9 công lập, 6 tư thục), 31 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (21 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện đổi tên, sáp nhập theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015; 6 tư thục) và 9 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản đề nghị các trường cao đẳng, trung cấp rà soát việc ký hợp đồng hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời trên cơ sở báo cáo của các trường cao đẳng, trung cấp, Sở kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện việc ký kết hợp đồng đưa học sinh đi thực tập trải nghiệm; sinh viên đi thực hành theo quy định Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội".
"Qua đây, chúng tôi cảm ơn những phát hiện và phản ánh của Báo Công thương về những sai phạm tại Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn. Để công tác đào tạo nghề nghiệp hiệu quả, chất lượng cũng như việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong quá trình đưa học sinh, sinh viên đi thực tập, tránh tình trạng xảy ra như Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra đào tạo nghề nghiệp; tiếp tục hướng dẫn các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập theo từng chương trình đào tạo của nhà trường" - ông Trung nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, là nơi cung ứng nhân lực lao động qua đào tạo cho thị trường lao động và được nhiều người quan tâm. Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo ra nguồn lao động chất lượng, có tay nghề cao, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước |
Mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 là: Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.
Sau nhiều bài viết “Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức” xảy ra tại Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Báo Công Thương mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó tạo ra nguồn lao động chất lượng, có tay nghề cao, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong su thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.