Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức: Bài 1 - Cuộc giải cứu nghẹt thở Bài 2: Sau nghi án ‘mua bán học sinh’, bất ngờ xuất hiện công ty thứ ba tự nguyện trả tiền |
Đón toàn bộ học sinh về để sửa sai
Chiều ngày 26/8, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hứa Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trường đã biết sai khi ký hợp đồng với Công ty Toàn Cầu. Tôi đã liên hệ với Công ty Toàn Cầu yêu cầu dừng việc thực tập. Ngay sáng mai (tức ngày 27/8-PV), Ban giám hiệu nhà trường sẽ lên tỉnh Bắc Ninh để đón tất cả các em học sinh (còn khoảng 120 em) về. Đây là cách để nhà trường sửa sai”.
Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn xin sửa sai và sẽ đón tất cả các em học sinh từ Bắc Ninh trở về |
Khi phóng viên đề cập đến sự xuất hiện của Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam đến xã Hà Long, huyện Hà Trung thanh toán tiền lương cho 7 học sinh là đơn vị nào, có liên quan gì đến trường?, thì Hiệu trường Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn Hứa Xuân Hương khẳng định: “Tôi không biết Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam là đơn vị nào, nhà trường chỉ ký hợp đồng với Công ty Toàn Cầu”.
Liên quan đến vụ việc, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho phóng viên Báo Công Thương biết: “Qua báo chí phản ánh, Sở đã nắm được vụ việc Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn ký hợp đồng với Công ty Toàn Cầu để đưa các em học sinh đi thực tập ở tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên. Sở cũng đã có văn bản yêu cầu nhà trường làm rõ nội dung mà báo chí phản ánh. Dự kiến sang đầu tuần tới, Sở cũng sẽ phối hợp với UBND thị xã Bỉm Sơn, làm việc với Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn để làm rõ vụ việc”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Bỉm Sơn cho biết: “Thị ủy đã nắm được vụ việc và đã yêu cầu Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn báo cáo. Trường cũng đã có báo cáo, tuy nhiên báo cáo chưa rõ ràng, chưa cụ thể, nên tôi đã yêu cầu nhà trường báo cáo toàn bộ sự việc. Quan điểm của chúng tôi là không bao che”.
Xuất hiện Bản cam kết ép học sinh khai khống tuổi
Quay lại vụ việc, sau khi Báo Công Thương phản ánh về “Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức”, ngày 25/8, chị Hà Thị Ngọc, đại diện Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam, có địa chỉ tại thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã đến xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa để gặp các em học sinh Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, làm công nhân tại các Công ty ở tỉnh Bắc Ninh để trả tiền lương.
Chị Hà Thị Ngọc, đại diện Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam đến xã Hà Long, huyện Hà Trung để trả tiền lương cho nhiều học sinh. (Ảnh do phụ huynh cung cấp) |
Tại xã Hà Long, đại diện Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam cho biết, thông qua môi giới, Công ty đã “mua 30 học sinh” từ Công ty Toàn Cầu với giá 6 triệu đồng (200 nghìn/1 học sinh). Sau đó, Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam đã cung ứng học sinh cho Công ty Khvatec. Ngày 25/8, Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam đã gặp và chi trả tiền lương cho 7 em là học sinh khóa 15 Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn.
Sau khi đại diện Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam xuất hiện tại xã Hà Long, nhiều phụ huynh đã rất bàng hoàng và bức xúc trước việc “mua bán học sinh” giữa Công ty Toàn Cầu và Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam mà nguồn cơn là xuất phát từ Bản hợp đồng gian trá giữa Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn và Công ty Toàn Cầu.
Phụ huynh càng bức xúc và cay đắng hơn khi xuất hiện Bản cam kết của Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam với các nội dung: “... Đồng ý báo với công ty là sinh năm 2004”. Các bậc phụ huynh cho rằng: Vì tin tưởng nhà trường, nên đã bàn giao con để đưa đi thực tập, không ngờ các em đang tuổi ăn, tuổi học, nhưng phải “đội lốt” của một người lớn (khai tăng thêm 3 tuổi từ sinh năm 2007 khai khống lên sinh năm 2004) và phải lao động đến kiệt sức.
Như ở trên, ông Hứa Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn đã khẳng định không hề biết Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam là ai. Vậy Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam có nghĩa vụ và quyên lợi như thế nào trong Hợp đồng “Tiếp nhận sinh viên thực tập trải nghiệm” được ký giữa Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn và Công ty Toàn Cầu?.
Bản cam kết của Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam với nội dung: "Đồng ý báo với công ty sinh năm 2004" (khai tăng thêm 3 tuổi) |
Liệu ngoài 181 “nạn nhân” là học sinh của Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, thì còn bao nhiêu em học sinh ở các trường nghề khác bị Công ty Toàn Cầu và Công ty Minh Quang Electronic Việt Nam “hô biến” các em học sinh chưa đủ 18 tuổi trở thành những công nhân thực thụ, rồi tăng ca, bóc lột sức lao động đến kiệt sức? Vấn đề này rất cần các cơ quan chức năng làm rõ.
Ép học sinh viết giấy cam kết khống đã nhận đủ tiền lương
Đúng như lời hứa của ông Hứa Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, sáng ngày 27/8, nhà trường đã lên đón tất cả các em học sinh trở về. Tuy nhiên, vào lúc 21 giờ ngày 26/8, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Toàn cầu đã yêu cầu các em học sinh viết giấy cam kết khống với dung: “Tôi đã nhận đủ số tiền lương là trong thời gian đi làm số tiền đã được chuyển vào ngân hàng của tôi… Tôi đã nhận đúng và đủ số tiền lương bên công ty thanh toán cho tôi. Tôi cam kết không có thắc mắc hay kiện cáo gì, nếu tôi làm sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công ty và pháp luật”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương qua điện thoại, em Vũ Đình Phong, học sinh khóa 15, Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn cho biết: “Tối 26/8, chị Hạnh gọi các em xuống và yêu cầu viết Giấy cam kết đã nhận đủ số tiền, đến giờ (9h30 ngày 27/8-PV) em đã lên xe nhưng vẫn chưa nhận được tiền lương chị Hạnh chuyển. Ngoài em ra còn nhiều bạn khác cũng chưa nhận được tiền. Em vào làm việc được khoảng 1 tháng nay rồi, mấy lần xuống xin ứng lương nhưng công ty không cho. Ngoài làm việc trong giờ chính, em cũng phải tăng ca cả ca ngày và ca đêm”.
Giấy cam kết khống mà bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Toàn Cầu đã ép các em học sinh phải viết vào lúc 21 giờ tối 26/8 |
Tương tự trường hợp em Vũ Đình Phong là em Thịnh Lê Hưng. “Em làm được 18 ngày công, tối qua em cũng phải viết giấy cam kết đã nhận đủ tiền lương, nhưng đến nay, qua tài khoản của bố em hỏi bố em bảo chưa nhận được tiền lương", em Hưng chia sẻ.
Còn em Lê Nguyễn Anh Đức cho biết: “Em làm việc lắp ráp linh kiện điện tử của công ty ở tỉnh Thái Nguyên được 4 ngày công, đêm qua em không phải viết giấy cam kết, nhưng em cũng không nhận được tiền lương gì cả. Giờ em đang trên xe về nhà”.
Như vậy, tối ngày 26/8, sau khi ép nhiều học sinh phải viết Giấy cam kết đã nhận đủ số tiền, đồng thời yêu cầu các không kiện cáo, đến sáng ngày 27/8, các em học sinh vẫn chưa nhận được tiền lương từ Công ty Toàn Cầu do bà Hoàng Thị Hồng Hạnh làm Giám đốc công ty.
Có thể thấy, Công ty Toàn Cầu đã đi hết sai phạm này đến hành vi vi phạm khác. Lật lại tình tiết của anh Trương Thế Tùng lên thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên để giải cứu đón con trai là Trương Thế Sang cho thấy, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Công ty Toàn Cầu có dấu hiệu về hành vi giữ người trái phép. Nếu hôm đó, anh Tùng không nhờ đến Công an phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên thì em Trương Thế Sang liệu có được thả cho về với gia đình hay không? Đây là một vấn đề rất cần Công an thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên vào cuộc điều tra, làm rõ.
Sáng ngày 27/8, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Toàn Cầu trả căn cước công dân cho các em học sinh, nhưng không trả tiền lương cho các em |
Chưa hết, việc sử dụng lao động là học sinh dưới 18 tuổi để bắt các em phải làm việc như một công nhân đã vi phạm Luật Lao động. Luật sư Nguyễn Thị Hằng, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa dẫn quy định tại Điều 8, Bộ luật Lao động năm 2019 cho biết: Các hành bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động bao gồm: Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động; sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Mặc dù có mặt vào sáng nay 27/8, khi các em học sinh lên xe ô tô về với gia đình, nhưng bà Hoàng Thị Hồng Hạnh vẫn không có động thái trả tiền lương cho các em |
Tại khoản 2, Điều 29, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử lý hành vi vi phạm quy định về lao động chưa thành niên cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: c) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 của Bộ luật Lao động; d) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; đ) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.
Như vậy, đến sáng ngày 27/8, tất cả các em học sinh khóa 15 của Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn sẽ được trở về bên vòng tay yêu thương của gia đình và người thân nơi quê nhà, dừng việc “Thực tập trải nghiệm” tại tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh. Tuy nhiên, sau nhiều ngày “đội lốt” công nhân, phải tăng ca đến kiệt sức, bị bóc lột sức lao động, nhưng các em vẫn chưa nhận được tiền lương? Những dấu hiệu vi phạm của Công ty Toàn Cầu như đã phân tích ở trên, cần phải được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa vào cuộc điều tra, làm rõ, trả lại công bằng cho các em.
Bài 4: UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khẩn sau phản ánh của Báo Công Thương