Từ vụ 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia: Cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao” và bài học đắt giá Bộ Ngoại giao: 13 phụ nữ Việt Nam bị giam cầm tại Philippines đã được trả tự do |
Nhiều ngày qua, phụ huynh có con đang theo học tại Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa không khỏi bàng hoàng và bức xúc trước việc Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn “bắt tay” với Công ty TNHH hợp tác lao động Toàn Cầu (gọi tắt là Công ty Toàn Cầu) đưa 181 học sinh khóa 15 đi thực tập trải nghiệm tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên nhưng thực chất là ép các em là công nhân. Bản hợp đồng giữa Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn với Công ty Toàn Cầu thực chất là sự gian trá nhằm trục lợi... đã khiến bao gia đình phải lo lắng, đi ngược lại với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực xuất khẩu lao động, sự trục lợi này làm suy giảm niềm tin trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Cuộc giải cứu nghẹt thở
Anh Trương Thế Tùng, thôn Gia Mưu, xã Hà Long, huyện Hà Trung vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại giây phút nghẹt thở khi lên thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên để đón con tên là Trương Thế Sang (sinh năm 2006), hiện là học sinh khóa 15, Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn.
Vợ chồng anh Trương Thế Tùng kể về cuộc giải cứu con trai đi thực tập ở Thái Nguyên đến nghẹt thở |
Theo trình bày của anh Tùng, sau khi hết thúc năm học lớp 10, Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn thông báo với gia đình cháu sẽ đi thực tập tại tỉnh Bắc Ninh, nhưng khoảng 3 ngày sau, trường lại thông báo chuyển sang tỉnh Thái Nguyên thực tập, đến ngày 13/7/2023 thì các cháu có xe đưa lên thị xã Sông Công để thực tập trải nghiệm.
“Tôi tin tưởng nhà trường cho con đi thực tập và cũng muốn cho cháu va vấp làm ăn để sau này biết nghề về làm. Ngày nào tôi cũng điện lên thì cháu trả lời trả không có việc gì làm, chỉ ăn rồi nằm chơi, khi cháu ốm thì cũng không thấy các thầy cô mua thuốc cho uống. Khoảng 10 ngày sau nhà trường điện thông báo gia đình lên Thái Nguyên đưa cháu về, vì cháu Sang thuộc dạng yếu không thực tập được. Sau nhiều cuộc liên hệ với thầy Đức và thầy Tuyên (thầy Đức, thầy Sơn là giáo viên Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn - PV) và được hướng dẫn lên đưa cháu về, vì nhà trường đến tháng 10/2023 mới có xe đưa cháu về được” - anh Tùng nghẹn lời chia sẻ.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng quá lo lắng, vợ chồng anh Tùng đã quyết định thuê xe ô tô và cùng 2 người bạn lên thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên để đón cháu Sang về.
Anh Tùng cay đắng buông lời: “Sau khi gặp thầy Tuyên viết đơn để xin cháu về, đến khi sang gặp cô Hoàng Thị Hồng Hạnh là Giám đốc Công ty Toàn Cầu để lấy căn cước công dân, thì cô Hạnh yêu cầu tôi phải nộp 2 triệu đồng. Tôi sang gặp thầy Tuyên để cầu cứu thì thầy Tuyên lẩn mất (bỏ trốn - PV). Tôi đã giải thích với chị Hạnh là con tôi không liên quan đến Công ty của chị, mà tôi bàn giao con tôi cho nhà trường để đi thực tập, tuy nhiên chị Hạnh không nói gì và yêu cầu tôi cứ nộp đủ 2 triệu đồng, chị mới thả người. Nếu chị cứ bắt tôi đóng tiền tôi sẽ báo công an, thì bà ấy (chị Hạnh - PV) đuổi tôi ra và hô chồng bà ấy nhốt thằng này lại (nhốt cháu Sang - PV). Sau đó đẩy con tôi vào phòng và bà khóa cửa luôn, đồng thời bà ấy tuyên bố đóng tiền tôi mới thả người”.
Sau nhiều giờ giải cứu, phải nhờ đến công an, cháu Trương Thế Sang mới được bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Toàn Cầu thả về |
Giữa đất khách quê người, con thì bị nhốt, tiền trong túi không đủ đón con, anh Tùng tiếp tục gọi điện cho thầy Đức để “cầu cứu”, nhưng thầy Đức giải thích, giờ cứ làm việc với công ty. Anh Tùng nghẹn lời và bức xúc: “Tôi giao con tôi cho các ông, các ông lại bảo tôi làm việc với công ty, không may con tôi bị làm sao thì giờ ông cũng bảo ông giao cho công ty à, thì ông Đức tắt máy luôn”.
Sau nhiều cú điện thoại để “cầu cứu” đến Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn bất thành, anh Tùng quyết định tìm đến công an. “Tôi đã đến báo chú Khang, Trưởng Công an phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công. Tôi đã trình bày sự việc rõ ràng với chú Khang về việc giao con cho nhà trường nhưng giờ công ty lại bắt nộp tiền mới cho về. Chứ giờ nhốt con cháu như vậy là không được, đây là trường hợp nhốt người trái phép rồi. Sau đó, chú Khang ra là việc với bà Hạnh thì bà ấy mới chịu thả cho con tôi ra và không phải nộp tiền. Không chỉ con tôi, mà có rất nhiều người phải nộp tiền từ 1 triệu đồng, 1,5 triệu đồng, đến 2 triệu đồng, nộp không có giấy tờ gì cả”.
Tăng ca đến kiệt sức nhưng không được trả lương
Vẫn chưa hết sợ hãi sau nhiều ngày trở về từ những giờ là tăng ca đêm đến kiệt sức, cháu Bùi Thị Phương Anh, thôn Đồng Toàn, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngày 12/7/2023, nhà trường có tổ chức cho học sinh khóa 15 đi thực tập ở Bắc Ninh, nhưng đến sát ngày lại thay đổi địa điểm thực tập sang tỉnh Thái Nguyên. Ngày 13/7, công ty cho nghỉ 1 ngày, đến ngày 14/7 các cháu đi làm tại Công ty KHvatec tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên (doanh nghiệp chuyên lắp ráp điện tử).
Cháu Bùi Thị Phương Anh đi làm 11 ngày và tăng ca nhiều giờ nhưng không nhận được lương |
Cháu Bùi Thị Phương Anh chia sẻ: “Cháu nhìn trong hợp đồng làm việc từ 8 giờ đến 18 giờ 25 phút, đến giờ về nhưng không được về, cháu có hỏi ông quản lý trên đó, ông quản lý bảo ở đây không có thực tập gì hết, chỉ có làm thời vụ và làm chính thôi, cháu phải làm đến 20 giờ 10 phút mới được về. Nhưng bọn cháu xin ông quản lý thì đến 19 giờ 40 phút ông cho bọn cháu về. Ở đó họ bắt bọn cháu làm tăng ca thêm 2 tiếng nữa, khi bọn cháu bảo chắc gì làm tăng ca đã được lương thì ông quản lý nói là làm tăng ca sẽ được trả lương 30 nghìn đồng/1 tiếng”.
Sau khi làm được 2 ngày bên xưởng hàn, thì cháu được chuyển sang xưởng soi nino và làm việc đến 19 giờ 10 phút. Cháu tính đã làm việc ở Công ty Khvatec được 11 ngày. Chị Hạnh có nói với cháu là được trả 240 nghìn đồng/ngày, tăng ca thì được 21 nghìn đồng/giờ. Cháu có đăng ký ứng lương nhưng chị ấy không cho.
Sau khi Công ty Khvatec cắt giảm nhân sự, cháu có báo lại với chị Hoàng Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Toàn Cầu, chị Hạnh bảo đợi lịch đi phỏng vấn tiếp. Cháu ở nhà được 3 hôm thì chị Hạnh bắt cháu với một bạn nữa đi phỏng vấn làm đêm, bọn cháu nói là không đi làm đêm nên không đi phỏng vấn. Tối hôm đó, chị Hạnh có gọi cháu xuống để lập biên bản bàn giao học sinh trả về nhà trường vì chống đối lệnh của công ty, bị phạt là 2 triệu đồng/người và 9 giờ sáng hôm sau phải gọi phụ huynh ra đón.
Đến sáng hôm sau, bọn cháu có xin chị Hạnh ở lại đi thực tập tiếp và được chị Hạnh đồng ý, đến hôm sau cho bọn cháu sang Công ty ở Bắc Ninh, chị Hạnh bắt bọn cháu khai sai tuổi lên năm 2004 và học Trường cao đẳng Bỉm Sơn Thanh Hóa, đồng thời phát cho các cháu 1 bản căn cước photo giả (sửa lại năm sinh từ 2007 lên năm 2004). Tuy nhiên khi vào gặp nhân sự thì họ phát hiện căn cước giả và không đúng học trường cao đẳng nghề Bỉm Sơn nên họ không nhận. Sau đó khoảng 7 ngày ở lại khu nhà ở của chị Hạnh thì có phụ huynh của các bạn ra đón cháu bỏ về cùng.
Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn và Công ty Toàn Cầu "bắt tay" ký "hợp đồng ma" để bóc lột sức lao động của 181 học sinh |
Còn chị Nguyễn Thị Khuyên, thôn 4, xã Quảng Trung, thị xã Bỉm Sơn là mẹ của cháu Nguyễn Đăng Khoa (sinh năm 2007) bức xúc: “Nhà trường đưa cháu đi thực tập tại tỉnh Thái Nguyên từ 13/7 đến ngày 23/7 cháu vẫn chưa có việc làm. Qua các bạn ở cùng phòng có việc làm về kể lại, đi làm họ chèn ép, gây khó khăn. Hợp đồng thì làm ca ngày, nhưng vẫn bị bắt phải làm ca đêm, thứ 7, Chủ nhật vẫn phải làm. Nghe cháu phản ánh với gia đình vậy, mà sức khỏe cháu yếu nên gia đình tôi liên hệ với nhà trường cho cháu về gần nhà thực tập để đảm bảo sức khỏe. Sau đó, Công ty Toàn Cầu yêu cầu phải bồi thường tiền ăn, ở là 2 triệu đồng. Gia đình tôi đã chuyển khoản nộp cho cô Hạnh 2 triệu đồng để đón cháu về”.
Có thể thấy, những chiêu trò của Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn và Công ty Toàn Cầu sau bản hợp đồng gian trá và ung nhọt trong giáo dục đào tạo nghề.
Bài 2: Sau nghi án ‘mua bán học sinh’, bất ngờ xuất hiện công ty thứ ba tự nguyện trả tiền