Chủ nhật 20/04/2025 18:00
Quảng Ninh: Đồng hành, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Bài 1: 'Đánh thức' nội lực, vươn lên thoát nghèo

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh những năm qua.

Lời tòa soạn: Với sự đồng hành của cấp uỷ, chính quyền, hội phụ nữ các cấp… bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, như hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, tạo mô hình sinh kế, học nghề..., phụ nữ Quảng Ninh ngày càng phát huy được năng lực, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Theo đó, quyền năng kinh tế và vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện để phụ nữ phấn đấu, vươn lên. Để làm rõ hơn vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, Báo Công Thương tổ chức loạt bài viết "Quảng Ninh: Đồng hành, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ".

Bài 1: "Đánh thức" nội lực, vươn lên thoát nghèo

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là giải pháp quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, cải thiện cuộc sống, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới, lồng ghép triển khai nhiệm vụ này trong nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Các cấp, các ngành, các địa phương luôn chủ động xây dựng các phong trào, nội dung hoạt động gắn với thực hiện bình đẳng giới, hướng mạnh về cơ sở…

Với nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng sự nỗ lực, vươn lên không ngừng, phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định là một trong những nhân tố điển hình, tích cực tham gia vào nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội; tạo đà cho phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển.

Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Uông Bí tổ chức Hội nghị tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Ảnh: Hạ Vũ

Triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939), các cấp Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ. Qua đó, đưa phong trào sáng tạo khởi nghiệp ngày càng lan tỏa, thiết thực giúp đỡ hội viên, phụ nữ tự tin, mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, ưu tiên hỗ trợ cho các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia mô hình, các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ bằng nguồn vốn của chương trình.

Năm 2019, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Hội thi "Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp" giữa các câu lạc bộ nữ doanh nhân các địa phương trong tỉnh.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức 18 cuộc tập huấn, 1 hội thảo kết nối nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh; hiện thực hóa hỗ trợ 5 ý tưởng và hỗ trợ 10 trường hợp (5 triệu đồng/trường hợp) lập đề án khởi sự kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho 1.216 phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh với tổng số vốn vay là 36,48 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hội ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017 - 2021 với Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, tập trung vào các hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nữ Quảng Ninh; tổ chức các hội thảo về "Nâng cao năng lực lãnh đạo cho nữ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh", "Hỗ trợ phụ nữ Quảng Ninh khởi nghiệp".

Với nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giai đoạn 2005 - 2020 các cấp Hội đã giúp trên 8.265 lượt hội viên phụ nữ, trong đó có 7.877 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ được công nhận thoát nghèo. Từ năm 2008 - 2020, xây mới 338 nhà mái ấm tình thương và sửa chữa 95 nhà với tổng trị giá gần 9,3 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, có căn nhà kiên cố để họ vươn lên làm chủ kinh tế, góp phần hiệu quả giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đến hết năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức 50 hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, truyền thông với các chủ đề "Lắng nghe ý kiến của phụ nữ"; "Nâng cao chất lượng các mô hình dịch vụ, phát triển kinh tế của phụ nữ"; "Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm"... cho hơn 700 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ đang kinh doanh và thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ; 11 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi sự kinh doanh cho 740 hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ trên địa bàn; 439 buổi tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp cho 15.285 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, các chủ hộ kinh doanh... đã được tổ chức.

Cán bộ Hội LHPN huyện Ba Chẽ nắm tình hình triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp của hội viên - Ảnh: Hạ Vũ

Cùng với đó, các cấp hội chủ động kết nối, khai thác nguồn vốn, chương trình hỗ trợ tiếp sức các mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, giúp gia đình phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đầu tư các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, ưu tiên cho những mô hình kinh tế có ý tưởng sáng tạo hiệu quả, hộ tham gia vào các ngành nghề tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đến nay, phụ nữ Quảng Ninh đã tham gia phát triển rất nhiều sản phẩm của tỉnh như: Chả mực Hạ Long, ổi Hoành Bồ, ba kích tím Ba Chẽ, trứng vịt biển Đồng Rui, mực ống Cô Tô, củ cải Đầm Hà, gà Tiên Yên, thanh long ruột đỏ Ba Chẽ...

Vốn tín dụng chính sách - động lực cho phụ nữ vươn lên làm kinh tế

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ qua của các cấp hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh nói riêng và toàn quốc nói chung.

Thực hiện sự định hướng của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, tích cực chủ động tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ địa phương triển khai xây dựng các mô hình kinh tế, phù hợp với điều kiện và đặc điểm riêng của từng vùng, miền, góp phần cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ, hội viên phụ nữ và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Than (huyện Tiên Yên) nắm tình hình sử dụng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế của hội viên - Ảnh: Hạ Vũ

Được thành lập từ năm 2013, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong những năm qua đã được đông đảo hội viên phụ nữ đón nhận.

Tại Quảng Ninh, Quỹ đã hỗ trợ hội viên phụ nữ nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn tuy không lớn nhưng qua quá trình kiểm tra, giám sát và báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương, được biết 100% các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả và đúng mục đích, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bà Nguyễn Vũ Thu Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cho biết, 3 năm qua, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã giúp đỡ 1.458 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo và hộ gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Các cấp Hội trong tỉnh đã hỗ trợ 36.202 hộ gia đình hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách và các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững với tổng số vốn lên đến 2.313 tỷ đồng.

Đồng thời, duy trì hoạt động tương trợ giúp phụ nữ nghèo thông qua các nguồn tiết kiệm của các chi hội; hỗ trợ thành lập 11 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý; phối hợp tổ chức 21 lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất, giới thiệu việc làm cho 1.377 hội viên phụ nữ.

Tiêu biểu là Hội Liên hiệp phụ nữ: Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả, Bình Liêu, TP. Hạ Long, TP. Uông Bí.

Vườn ổi của gia đình chị Lã Thị Thu đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương - Ảnh: Hạ Vũ

Tại xã Lê Lợi (TP. Hạ Long), từ nhiều năm nay, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế đã phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các tổ vay vốn tiết kiệm của phụ nữ và hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, các hội viên, phụ nữ đã nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn để triển khai các mô hình kinh doanh, sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định.

Gia đình chị Lã Thị Thu (ở thôn 1, xã Dân Chủ, TP. Hạ Long) trước đây cũng gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp Hội Phụ nữ, vợ chồng chị Thu đã được vay 100 triệu đồng từ nguồn tạo việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội. Nhờ đó, chị Thu đã mạnh dạn trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP. Chất lượng quả ổi tốt, giá bán cao hơn, khẳng định được thương hiệu, uy tín với người tiêu dùng.

Hiện nay, diện tích trồng ổi của gia đình chị khoảng 3,5 ha, thu hoạch gần 30 tấn quả/năm, lợi nhuận thu về gần 30 triệu đồng/tháng. "Bên cạnh việc trồng ổi, gia đình tôi mới trồng thử nghiệm một số cây dược liệu với diện tích khoảng 2.000 m2. Chúng tôi cũng đang phát triển loại hình du lịch sinh thái để đưa du khách tới tham quan, trải nghiệm câu cá, thăm vườn ổi", chị Thu chia sẻ.

Mô hình vườn ươm, cung cấp cây giống các loại (quế, tùng, giổi...) của chị Chíu Thị Hoa - Ảnh: NVCC

Thông qua tổ tiết kiệm, tổ vay vốn của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Than (huyện Tiên Yên), chị Chíu Thị Hoa - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Và vừa được duyệt vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm.

Chị Hoa chia sẻ: "Đây là lần thứ 3 tôi được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Lần này tôi vay vốn để mở rộng quy mô vườn ươm, cung cấp cây giống các loại (quế, tùng, giổi...) cho các hộ trồng rừng gỗ lớn cả trong và ngoài huyện. Để có kiến thức trong chăm sóc cây giống, tôi đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu qua các phương tiện thông tin đại chúng, đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình trong và ngoài huyện, từ đó áp dụng vào thực tiễn".

Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh đã phối hợp giải ngân vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 142 tỷ đồng cho 1.781 người vay. Nắm bắt nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ, các cấp hội cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu việc làm.

Thông qua các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình đã góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội hằng năm của địa phương; thực hiện có hiệu quả mục tiêu vì sự bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ.

Còn nữa...

Thảo Nguyên
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ninh