Quê Bác - quê chung của mọi người con đất Việt "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn" khích lệ mong muốn trau dồi nhân cách Bác Hồ - tấm gương vĩ đại, cao đẹp nhất của phong trào thi đua yêu nước |
Người luôn động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa làm hậu phương vững chắc của cả nước trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và mong muốn "Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu".
Bốn lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa
Năm 1947, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được hai tháng, mặc dù việc chỉ đạo kháng chiến vô cùng bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa ngày 20/2/1947. Bác đến Thanh Hóa khoảng 7 - 8 giờ sáng. Tại Rừng Thông (huyện Đông Sơn), Bác Hồ đã gặp gỡ và nói chuyện thân mật với cán bộ hành chính, thân sĩ, trí thức, đại biểu dân tộc, tôn giáo của tỉnh. Bác Hồ động viên, cổ vũ nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến thành công. Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: "Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu". Phải làm sao cho mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu".
Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Yên Trường tháng 12/1961. Ảnh tư liệu |
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nhân dân Thanh Hóa lại vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ 2. Ngày 13/6/1957, Bác Hồ đến cơ quan Tỉnh ủy lúc 9 giờ 30 sáng và có các cuộc tiếp xúc với đại biểu quân, dân, chính, đảng của tỉnh. Bác đã nói chuyện với gần 4.000 đại biểu cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong buổi họp mặt đón chào Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương những thành tích của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Bác đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò "hậu phương lớn" của kháng chiến chống thực dân Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành thời gian về thăm tỉnh Thanh Hóa lần thứ 3. Trong chuyến thăm này, Bác Hồ tới dự Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI tại Sầm Sơn. Bác cũng thăm thú cảnh đẹp của Sầm Sơn, tắm biển và kéo lưới cùng bà con ngư dân. Đến Sầm Sơn, Bác nói chuyện với ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn), quan tâm, tìm hiểu tình hình đời sống kinh tế của đồng bào và tới thăm một gia đình ngư dân sống cạnh bãi biển. Bác kéo lưới rất thành thục, say sưa không khác gì một lão ngư thực thụ. Mải làm, mình đẫm mồ hôi, Bác cởi áo, rồi bỏ cả khăn mặt quấn cổ. Kéo lưới xong, Bác lại đến nhặt cá cùng ngư dân và vui vẻ nói chuyện với họ. Gặp gỡ và trao đổi với cán bộ địa phương, Bác căn dặn: Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải.
Trong thời điểm cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, ngày 11/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành cho Thanh Hóa chuyến thăm ấm áp ân tình lần thứ 4. Nói chuyện với cán bộ và đồng bào trong tỉnh, Bác Hồ đã biểu dương những tiến bộ của Thanh Hóa trong xây dựng và phát triển kinh tế thời gian qua, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ và nêu những khuyết điểm của tỉnh như: Chưa chú ý nhiều đến chất lượng của hợp tác xã; chưa đẩy mạnh việc trồng cây, gây rừng; chưa đạt mức kế hoạch về sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp... Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, nếu khắc phục được những mặt yếu kém đó, Thanh Hóa - một tỉnh lớn nhất của miền Bắc, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động - chắc chắn sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong chuyến về thăm này, Bác Hồ đã dành thời gian thăm xã Yên Trường (huyện Yên Định), thăm Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa.
Thanh Hóa thực hiện mong muốn của Người
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 76 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tỉnh Thanh Hóa đã phát huy cao độ nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Thanh Hóa đã từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực và cả nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2022 đạt 10,3%/năm. Đặc biệt, trong năm 2022, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song kinh tế của Thanh Hóa vẫn giữ vững đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra 11,5%, đứng thứ 7 cả nước; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 51.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và nằm trong nhóm "câu lạc bộ" có nguồn thu ngân sách trên 50 nghìn tỷ đồng.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa. Ảnh tư liệu |
Bên cạnh đó, chính trị ổn định, văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh. Những thành tựu trên một lần nữa khẳng định vị thế chiến lược của thanh Hóa trong khu vực Bắc Trung bộ, Nam Đồng bằng Bắc bộ và cả nước. Đây là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 - 20/2/2022), Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã nhấn mạnh: "Kỷ niệm 75 năm Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa và huyện Đông Sơn thực hiện lời Bác căn dặn; tự hào về những thành tích đã đạt được, song cũng thấy rằng, vẫn còn đó những việc mà chúng ta cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để đền đáp ân tình sâu nặng, lòng mong mỏi của Bác đối với Thanh Hóa và huyện Đông Sơn".