Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki

Bạn đọc phản ánh tới Báo Công Thương, bà Đoàn Di Băng quảng cáo dung dịch vệ sinh nhãn hiệu Hanayuki sai sự thật, thổi phồng công dụng, thậm chí phản khoa học.
Báo Công Thương liên tiếp nhận được phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo sản phẩm sai sự thật Xử lý nghiêm sai phạm quảng cáo sữa trên mọi nền tảng PQA Nhuận Tràng: Thực phẩm chức năng đội lốt bài thuốc

Thổi phồng công dụng

Thời gian gần đây, Báo Công Thương nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc về nội dung quảng cáo sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ (DDVSPN) Hanayuki Soft & Silk do bà Đoàn Di Băng - một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội - trực tiếp thực hiện. Các video quảng cáo xuất hiện dày đặc trên nền tảng Facebook, TikTok với nhiều nội dung gây tranh cãi, bị cho là thổi phồng công dụng sản phẩm, sai sự thật, thậm chí phản khoa học.

Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki
Bạn đọc phản ánh về tình trạng bà Đoàn Di Băng thổi phồng công dụng của sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki Soft & Silk. Ảnh chụp màn hình

Trong các đoạn video được lan truyền, bà Đoàn Di Băng khẳng định sản phẩm có thể không chỉ vệ sinh vùng kín như chức năng cơ bản mà còn có khả năng làm hồng, trị mụn, gội đầu trị gàu, trị hôi nách, thay thế sữa tắm, chữa đau bụng kinh và kích thích sinh lý nữ.

“10 người dùng cái này (dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki Soft & Silk) thì có 7 người hết đau bụng kinh. Băng hên là nằm trong số 7 người đó”, bà Đoàn Di Băng khẳng định.

Đáng chú ý, Đoàn Di Băng còn tuyên bố dung dịch Hanayuki có thể dùng cho phụ nữ sau sinh bị rạch tầng sinh môn và vết thương sẽ lành “chỉ sau 2 - 3 ngày sử dụng”. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy dung dịch vệ sinh phụ nữ có thể chữa đau bụng kinh, kích thích sinh lý.

Theo các bác sĩ, thời gian lành vết rạch tầng sinh môn thường kéo dài từ 2- 4 tuần, tùy theo cơ địa và điều kiện chăm sóc hậu sản. Do đó, bất kỳ lời quảng cáo nào về việc “vết rạch lành sau 2 ngày nhờ sử dụng dung dịch vệ sinh” đều không có cơ sở khoa học và có thể gây ngộ nhận nghiêm trọng cho người sử dụng.

Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki
Dung dịch vệ sinh phụ nữ nhãn hiện Hanayuki Soft & Silk hiện có 3 sản phẩm lưu hành trên thị trường. Ảnh minh họa

Đặc biệt, trong một video khác, bà tiếp tục gây tranh cãi khi nói rằng sản phẩm “dùng được cho cả trẻ sơ sinh”, giúp các bé đỡ hăm tã. Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng và các bác sĩ chuyên ngành, bởi không có bất kỳ khuyến cáo y khoa nào cho phép sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ cho trẻ sơ sinh - đối tượng có làn da và hệ miễn dịch cực kỳ non nớt.

Bạn nào muốn mua một chai mà cả nhà dùng thì các bạn nên lựa chọn cái chai này (dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki - PV) nha. Cả mẹ, cả bé, cả ba, cả ông bà tất cả mọi người trong gia đình chúng ta đều có thể sử dụng được hết”, Đoàn Di Băng kêu gọi mọi người mua hàng.

Được biết, dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki Soft & Silk hiện có 3 sản phẩm đang lưu hành trên thị trường gồm Hana Soft & Silk, VB Soft & Silk và Baby Soft & Silk được rao bán với giá từ 120.000 đồng - 160.000 đồng/chai.

Theo thông tin từ các trang bán hàng và giới thiệu sản phẩm, dung dịch vệ sinh Hanayuki được mô tả là có chiết xuất từ thiên nhiên như lô hội, lá trầu không, nhụy hoa nghệ tây, muối tinh khiết, giúp làm sạch vùng kín, khử mùi, ngăn ngừa viêm nhiễm và cân bằng độ pH cho vùng nhạy cảm.

Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki
Vợ chồng Đoàn Di Băng nổi tiếng về cuộc sống xa hoa và sở thích sưu tập xe sang.

Theo giới thiệu, các mỹ phẩm mang nhãn hiệu Hanayuki đều do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group làm chủ sở hữu, sản xuất và kinh doanh. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 29/4/2021, có trụ sở chính Tầng lửng cao ốc Đại Thanh Bình số 911-913-915-917 Nguyễn Trãi, phường 14, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group do ông Nguyễn Quốc Vũ (chồng bà Đoàn Di Băng) là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

Không nắm rõ thành phần, vẫn tự tin quảng bá

Không dừng lại ở việc thổi phồng công dụng, trong một video khác, bà Đoàn Di Băng còn tuyên bố rằng chính bà là người “sản xuất ra sản phẩm”, nhưng lại khẳng định không biết rõ thành phần cụ thể.

Nhưng mà không hiểu động lực nào mà các chuyên gia của Hanayuki đã lén lút bỏ vào thêm trong sản phẩm một số thành phần và đem đi Bộ Y tế kiểm duyệt và cũng không hiểu sao Bộ Y tế cũng duyệt luôn, mọi người à!”, bà Đoàn Di Băng thắc mắc.

Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki
Trong một video, Đoàn Di Băng nói "không biết" thành phần của sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki nhưng vẫn được Bộ Y tế phê duyệt. Ảnh chụp màn hình

Câu nói này tiếp tục gây tranh cãi, khi nhiều người tiêu dùng cho rằng không thể chấp nhận việc một cá nhân đứng tên thương hiệu, sản xuất và phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe lại không nắm rõ thành phần hóa học, dược liệu của sản phẩm. Việc một người đại diện nhãn hàng, quảng bá công dụng sản phẩm nhưng lại không có kiến thức chuyên môn về thành phần, không hiểu rõ nguyên lý hoạt động và cơ chế tác động của sản phẩm lên cơ thể người dùng là hành vi thiếu trách nhiệm, gây nguy hiểm nếu bị hiểu sai hoặc lạm dụng.

Theo quy định tại Nghị định 93/2016/NĐ-CP và Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm, các sản phẩm như dung dịch vệ sinh Hanayuki thuộc nhóm mỹ phẩm, được phép công bố và lưu hành nếu đạt yêu cầu về hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng bức xúc khi nghe bà Đoàn Di Băng nói rằng sản phẩm được “Bộ Y tế duyệt”. Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT, các tổ chức, cá nhân chỉ cần nộp hồ sơ công bố sản phẩm và chịu hoàn toàn trách nhiệm với thông tin quảng cáo, nội dung sử dụng trên nhãn. Cơ quan chức năng chỉ tiến hành hậu kiểm khi có dấu hiệu vi phạm.

Những công dụng được quảng bá như làm hồng, trị mụn, hay chữa đau bụng kinh, nếu không có tài liệu chứng minh khoa học, thì quảng cáo những công dụng này có thể bị xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo sai sự thật.

Luật sư Đậu Đức Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho biết, theo Luật Quảng cáo năm 2012, sửa đổi năm 2018, những hành vi nói quá về giá trị, tác dụng, công dụng của sản phẩm được xác định là quảng cáo sai sự thật, đồng thời, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hình thức xử phạt hành chính, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền 60-80 triệu đồng (với cá nhân) và 120-160 triệu đồng (với tổ chức).

Trong trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối, theo Điều 197 Bộ luật Hình sự.

Sự việc liên quan đến dung dịch vệ sinh Hanayuki và bà Đoàn Di Băng là minh chứng điển hình cho tình trạng “kinh doanh bằng niềm tin” và “quảng bá bằng danh tiếng” thay vì bằng chuyên môn và trách nhiệm. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, biết chọn lọc thông tin, không đặt trọn niềm tin vào các cá nhân nổi tiếng.
Ngân Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.