Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán Chậm giải ngân vốn đầu tư công - tiếng nói người "trong cuộc" Cuối năm dồn dập giải ngân vốn đầu tư công |
Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào chiều ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến có khoảng 376 dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn hằng năm sẽ chuyển tiếp thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Không bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo Kế hoạch trung hạn
Nguyên nhân được cho là do kế hoạch vốn năm sau cơ bản tương đương với năm trước nên đã dẫn tới khả năng không bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo Kế hoạch trung hạn. Với dự kiến kế hoạch 2024 là 225 nghìn tỷ đồng, lũy kế bố trí 4 năm từ 2021 đến 2024 đạt 61,7% tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương được Quốc hội cho phép phân bổ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Quốc hội chiều 23/10 (Ảnh:VPQH) |
Liên quan đến nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều địa phương có số thu ngân sách khá tốt, dẫn tới giao dự toán chi đầu tư hằng năm nguồn ngân sách địa phương đạt cao, có 07 địa phương lũy kế vốn bố trí 2021-2023 vượt so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; 18 địa phương lũy kế vốn bố trí 2021-2023 đạt 70-90% so với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
“Như vậy, vốn ngân sách địa phương bố trí hằng năm khả năng vượt lớn so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định (1.370 nghìn tỷ đồng). Theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị quyết số 29/2021/QH15, nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương được tính trên khả năng thu của ngân sách địa phương, nên việc phân bổ thêm cho các địa phương tại thời điểm này là không cần thiết, do đó không thực hiện phân bổ 137 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương còn lại, thực hiện tổng kết vào cuối Kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Cũng theo báo cáo, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (2,72 triệu tỷ đồng). Số vốn còn lại là 190.049,202 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 53.749,202 tỷ đồng đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương là 137.000 tỷ đồng.
Tổng kế hoạch đầu tư công hằng năm (từ năm 2021 đến năm 2023) được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên số vốn ngân sách trung ương đạt 52,2% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo áp lực rất lớn trong cân đối ngân sách năm 2024, 2025. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước trong 03 năm 2021-2023 chiếm 28,4%; tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình 02 năm 2021, 2022 đạt 16,4%.
Giải pháp cho năm 2024-2025
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước bố trí kế hoạch năm 2024, 2025 đáp ứng nhu cầu còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Ảnh minh họa: Bộ GTVT) |
Đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 làm căn cứ để triển khai kế hoạch đầu tư hằng năm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quy mô lớn, trọng điểm.
Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Cùng với đó, nâng cao vai trò của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành gắn với kiểm soát quyền lực nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.