Yên Bái: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Suối Giàng Bắc Kạn: Thương mại hóa sản phẩm chè Shan tuyết Chè Shan tuyết Na Hang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý |
Quà tặng của thiên nhiên
Là đặc sản kết tụ tinh tuý từ đất trời, cây chè Shan tuyết mọc chủ yếu trên các triền núi cao của tỉnh Yên Bái. Nhiều vùng chè Shan tuyết cổ thụ đã có từ lâu đời và gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái. Tổng diện tích chè Shan tuyết trên toàn tỉnh hiện có đạt khoảng 3.500 ha, tập trung ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Văn Yên và dải rác trên một số ngọn núi cao của huyện Trấn Yên.
Chè Shan tuyết là đặc sản của xã Suối Giàng (Ảnh: Không gian văn hoá Suối Giàng) |
Nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng huyện Văn Chấn được thiên nhiên ban tặng cho giống chè Shan tuyết quý hiếm, với hương vị thơm ngon đặc biệt. Nơi đây, hội tụ của quần thể với hơn 40.000 cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm, đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam từ đầu năm 2016.
Đáng chú ý, vùng lõi chè Shan tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 400 ha; trong đó, diện tích cây cổ thụ mọc tự nhiên là 290 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp. Chè Shan Tuyết cổ thụ có thân cây to bằng vài người ôm, màu trắng mốc, tán cây rộng khoảng 20 mét vuông, lá màu xanh đậm.
Theo các chuyên gia, chè Shan tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp đầu bảng trong các loại chè và được gọi là chè “năm cực”: “cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - do điều kiện khí hậu tự nhiên hoang dã ; “cực hiếm” - sản lượng ít; “cực ngon” - có hương thơm, vị đậm và “cực đắt”. Với những giá trị mang lại, cây chè Shan tuyết đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Suối Giàng Văn Chấn” cho sản phẩm chè Shan tuyết từ cuối năm 2022.
Đưa sản phẩm vươn ra thị trường
Với đam mê đưa chè Suối Giàng ra thị trường, năm 2019, doanh nhân Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã sáng lập nên "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” và hệ thống homestay đón 100 - 120 người/ngày cùng "Ngôi làng hạnh phúc” với mong muốn phát triển giá trị của Chè Shan tuyến Suối Giàng gắn với xuất khẩu, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân bản địa. "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” là một không gian văn hóa trà Suối Giàng đầy sáng tạo, trở thành nơi các trà nhân pha những ấm trà Shan tuyết thơm ngon một cách tỉ mỉ, thận trọng như một nghệ nhân say mê với tác phẩm của mình.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cũng được thành lập với mục tiêu gắn kết các hộ đồng bào Mông, bảo tồn phát triển Chè Shan tuyết cổ thụ và bảo tồn văn hóa bản địa; kết hợp sản xuất kinh doanh chè với phát triển du lịch. Hoạt động của HTX đã gắn kết các hộ cùng sản xuất theo quy trình.
Để có những sản phẩm chè tốt, năng suất cao thì HTX Suối Giàng đã làm tốt các khâu từ vận động các hộ dân gìn giữ và thu hái chè đúng tiêu chuẩn, chất lượng, đến thu mua nguyên liệu đúng giá. Đồng thời, chế biến các sản phẩm chè phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh Yên Bái để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập hàng năm cho các thành viên trong HTX và người dân của huyện Văn Chấn. Bên cạnh đó, HTX cũng đã tuyên truyền cho hội viên và đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông bảo vệ được hàng trăm ha diện tích chè cổ thụ.
Sản phẩm chè “Tuyết Sơn Trà” của HTX Suối Giàng đã được xếp hạng 4 sao |
Ngoài việc đẩy mạnh áp dụng biện pháp kỹ thuật, HTX Suối Giàng cũng chú trọng vào khâu sản xuất, đổi mới các thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm, đồng thời tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ… Đến nay, HTX Suối Giàng đã có 6 loại sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước và hướng tới xuất khẩu. Sản phẩm chè “Tuyết Sơn Trà” của HTX Suối Giàng đã được xếp hạng 4 sao.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ được gắn mác sản phẩm OCOP 4 sao, thời gian qua, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã đưa được gần 200 sản phẩm đặc sản, nông sản của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, trong đó có 15 – 20 sản phẩm chè. Ngoài ra, Bưu điện sẽ hỗ trợ các kênh truyền thông, marketing để sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn Yên Bái có thể vươn xa trên phạm vi rộng hơn. Thời gian qua, nhờ có sàn thương mại điện tử mà có nhiều du khách trong nước biết đến chè Shan tuyết. Trong thời gian tới, người dân ở đây mong muốn thông qua sàn thương mại điện tử Postmart, đặc sản chè Shan tuyết của Văn Chấn, Yên Bái có thể đi ra thế giới.
Về phía địa phương, huyện Văn Chấn cũng sẽ tập trung bảo vệ nhãn hiệu và quản lý thương hiệu chè Suối Giàng trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đa dạng các hình thức kinh doanh, xúc tiến, quảng bá sản phẩm của địa phương. Đồng thời khuyến khích người dân khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch. Trong đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động quảng bá, phát triển dịch vụ du lịch xanh, giữ gìn các cây chè cổ thụ nhằm biến nương chè thành điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch, phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững…