Chè Shan tuyết Na Hang là một sản phẩm có từ lâu đời và nổi tiếng của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Chè mọc tự nhiên hoặc được bà con trồng quảng canh ở độ cao trung bình từ 800 - 1000m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm không khí trung bình năm 85% nên chè Shan tuyết có nhiều tuyết trắng. Sản phẩm có màu đen xanh hơi xám bạc, khi pha chè nước có màu xanh sáng, vị chát dịu và rõ hậu ngọt khi uống.
Chè Shan tuyết Na Hang là một trong những niềm tự hào của Tuyên Quang |
Đặc tính của chè Shan tuyết Na Hang có được không chỉ do tác động của độ cao địa hình, khí hậu, mà còn do đặc điểm thổ nhưỡng và phương pháp sản xuất đặc thù. Cụ thể, giống chè Shan tuyết đưa vào canh tác tại khu vực địa lý là những cây chè được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn từ cây đầu dòng. Đất trồng tại huyện Na Hang có hàm lượng các chất đa lượng và trung lượng thấp hơn so với đất trồng tại huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang). Hàm lượng các chất đa lượng và trung lượng trong đất trồng chè thấp một phần do khí hậu mát mẻ quanh năm nên quá trình phong hóa của đất bị chậm lại, và một phần do người dân chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học. Chất đa và trung lượng trong đất thấp thì cây hấp thu ít, đây là một trong những nguyên nhân không làm tăng hàm lượng chất Tro trong chè Shan tuyết Na Hang (Tro càng thấp thì chè Shan tuyết càng ngon).
Nhờ những yếu tố tự nhiên và kinh nghiệm có được của người dân trồng chè Shan tuyết đã tạo nên sản phẩm có chất lượng, là niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Chè Shan tuyết Na Hang đã được lựa chọn làm quà biếu các nguyên thủ quốc gia.
Việc được đón nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ là tiền đề giúp sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang phát triển bền vững. Để ngày càng nâng cao chất lượng chè Shan tuyết hơn nữa, thời gian tới, UBND huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia hỗ trợ đầu tư và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng được mô hình doanh nghiệp xuất khẩu chè gắn với người trồng chè, lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với lợi ích người trồng chè.
Đồng thời, quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên cơ sở thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với các tổ chức, doanh nghiệp, HTX chế biến chè thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, có xác nhận của chính quyền địa phương, UBND các xã chịu trách nhiệm tổ chức việc phân vùng nguyên liệu và chỉ đạo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa tổ chức, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè với người trồng chè, có như vậy các sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, chinh phục được cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu trong tương lai không xa.