Thúc đẩy kết nối giao thương hàng hóa biên mậu Israel tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương hàng hóa với Việt Nam Hà Nội - Viêng Chăn: Hợp tác cùng phát triển |
Đây là thông tin được lãnh đạo 2 Sở Công Thương Hà Nội và Viêng Chăn đưa ra tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương, diễn ra chiều tối ngày 7/3 tại Hà Nội.
Hội nghị này nhằm thực hiện nội dung quan trọng trong việc thực hiện Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Viêng Chăn giai đoạn 2022 - 2025, ký tại Viêng Chăn ngày 4/11/2022.
Hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm của Lào ra thị trường thế giới
Vui mừng khi được tiếp đón Đoàn công tác Sở Công Thương Viêng Chăn sang thăm và làm việc tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội đã chia sẻ những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023 cũng như hoạt động quản lý nhà nước về thương mại; công nghiệp; hội nhập quốc tế, thương mại quốc tế; phát triển năng lượng...của Sở thời gian qua.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương với Đoàn công tác của Sở Công Thương Viêng Chăn (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - khẳng định, hợp tác trong lĩnh vực công thương giữa Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) và Thủ đô Viêng Chăn (Lào) không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là truyền thống hợp tác hữu nghị trên tinh thần chia sẻ lợi ích, cùng nhau phát triển.
“Tháng 4 vừa rồi, chúng tôi tổ chức 1 Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023 và làm việc với Sở Công Thương Viêng Chăn. Đây là đoàn công tác được đánh giá rất hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại, đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ và cho biết, sau sự kiện này các doanh nghiệp tiếp tục triển khai 13 Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đã được ký giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Lào. Và đã có những doanh nghiệp của Lào đã sang các làng nghề của Việt Nam để thăm quan, học tập kinh nghiệm.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng mong muốn, trong thời gian tới 2 Sở sẽ tiếp tục triển khai hợp tác mà 2 bên đã ký kết. “Ngoài, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Sở thông qua hình thức gặp gỡ trực tiếp thì có thể thông qua hình thức email”, bà Lan gợi ý.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng đề xuất Sở Công Thương Viêng Chăn hỗ trợ các làng nghề của Hà Nội trong phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp Thủ đô. Bên cạnh đó, kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa để hàng Việt Nam sang thị trường Lào và ngược lại.
Bà Lan dẫn chứng, vừa rồi, các sản phẩm mà Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023 mang sang thị trường Lào được thị trường Lào rất ưa chuộng. Ở chiều ngược lại, sản phẩm mây tre đan của Lào rất đẹp, nhưng chúng tôi chưa biết các sản phẩm này đã xuất khẩu được chưa?
“Sáng 4/7, chúng ta sẽ tham quan 1 làng nghề mây, các doanh nghiệp ở đây đơn hàng xuất khẩu rất lớn, có thể hỗ trợ các bạn trong việc đưa các sản phẩm mây tre đan của các bạn vào hệ thống các doanh nghiệp làng nghề của Hà Nội để chúng ta thúc đẩy xuất khẩu. Kể cả các sản phẩm hàng hóa thủ công mỹ nghệ khác cũng vậy, chúng tôi có thể kết nối qua Hà Nội và thúc đẩy hỗ trợ các bạn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Một nội dung nữa được bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ tại Hội nghị đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cho Sở Công Thương Hà Nội xây dựng Đề án nhằm giúp đỡ người lao động của Viêng Chăn sang học nghề tại các làng nghề tại Hà Nội. Sở sẽ trao đổi cụ thể với Sở Công Thương Viêng Chăn để có giải pháp phù hợp.
Xúc tiến xây dựng nơi giao thương hàng hóa tại Hà Nội và Viêng Chăn
Ở chiều ngược lại, bà Vanmany Phimmasan - Giám đốc Sở Công Thương Viêng Chăn - thông tin, hiện nay, có 64.620 đơn vị dự án đã có hoạt động đầu tư tại tại Lào và Viêng Chăn, trong đó, có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của Việt Nam.
Các nhà đầu tư của Việt Nam đầu tư tại Viêng Chăn như sau: Bán buôn, bán lẻ 198 đơn vị; công nghiệp chế biến 59 đơn vị; công chính và vận tải 55 đơn vị. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư của Việt Nam sang đầu tư trong lĩnh vực nông lâm thủy sản có 11 đơn vị, lĩnh vực này chưa nhiều.
Về cơ sở hạ tầng thương mại, hiện, toàn thủ đô Viêng Chăn có 15 trung tâm thương mại, 109 chợ, trong đó, chợ có quy mô lớn là 11, chợ quy mô tầm trung là 26 và chợ quy mô nhỏ là 72. Ngoài ra, còn có 161 cửa hàng tiện lợi, 12 siêu thị.
“Hiện chúng tôi tập trung khuyến khích mỗi huyện có 1 sản phẩm OCOP. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được 62 đơn vị và có 277 sản phẩm. Lĩnh vực OCOP là lĩnh vực chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó, chúng tôi mong Sở Công Thương Hà Nội sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho chúng tôi về lĩnh vực này”, bà Vanmany Phimmasan đề xuất.
Đoàn Công tác Sở Công Thương Viêng Chăn tặng quà lưu niệm cho Sở Công Thương Hà Nội (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Nhất trí và tiếp thu các kiến nghị từ Sở Công Thương Hà Nội, bà Vanmany Phimmasan đặt vấn đề: “Làm thế nào để giúp đỡ người lao động của Viêng Chăn sang học tập tại các làng nghề của Hà Nội? Đây là nội dung hợp tác rất quan trọng giữa 2 Sở và chúng tôi sẽ tiếp tục phối kết hợp với Sở Công Thương Hà Nội để sớm xây dựng Đề án này”, bà Vanmany Phimmasan cho biết.
Một vấn đề quan trọng khác được bà Vanmany Phimmasan gợi mở đó là xúc tiến xây dựng nơi giao thương hàng hóa tại Hà Nội và Viêng Chăn. "Chúng ta có thực hiện với tinh thần từ mô hình nhỏ đến mô hình lớn. Ở đây chúng tôi xin phép được giao cho 2 phòng quản lý thương mại của 2 Sở để sớm hiện thực hóa việc xây dựng các gian hàng của Hà Nội tại Viêng Chăn và gian hàng của Viêng Chăn tại Hà Nội", bà Vanmany Phimmasan chia sẻ.
Nhấn mạnh Lào là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, thương mại đặc biệt là làng nghề, bà Trần Thị Phương Lan cam kết, ngành Công Thương Hà Nội luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng ngành công thương Thủ đô Viêng Chăn. Sở Công Thương Hà Nội rất hy vọng qua chuyến công tác lần này, Đoàn công tác của Sở Công Thương Thủ đô Viêng Chăn sẽ có được những trải nghiệm, thông tin hữu ích giúp phát triển ngành công thương Viêng Chăn cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả, bền vững giữa hai Thủ đô.
“Về phát triển các sản phẩm OCOP, Hà Nội hiện có 2.167 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Chúng tôi có một Bộ tiêu chí để đánh giá, phân loại các sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao. Sở sẽ chuyển cho phía bạn Bộ tiêu chí này để tham khảo, nghiên cứu”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào ước đạt 200 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 20% so với năm 2021. Ở chiều người lại, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022 từ Lào ước đạt 211 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 12,6% so với năm 2021. |