Thủ tướng chỉ đạo 5 vấn đề để phát triển sản phẩm OCOP bền vững Bộ Công Thương cam kết đồng hành tiêu thụ sản phẩm OCOP Bắc Kạn |
Doanh thu sản phẩm OCOP giảm trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19
Báo cáo nghiên cứu bài học kinh nghiệm thành công trong phát triển sản phẩm OCOP do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện khảo sát tại 6 tỉnh gồm Bắc Kạn, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Đồng Nai, Đồng Tháp vừa được công bố sáng 16/6 cho hay, nhìn chung số lượng sản phẩm OCOP của các tỉnh có sự tăng lên mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021.
Các đại biểu thăm quan Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) |
Các chủ thể sản phẩm OCOP ở các tỉnh có quy mô hoạt động nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ cá thể. Đến hết 2021, có tổng 638 chủ thể có sản phẩm được sếp hạng từ OCOP 3 sao trở lên, trung bình có 106 chủ thể OCOP/tỉnh.
Báo cáo cũng chỉ ra doanh thu của các chủ thể OCOP năm 2021 cơ bản bị giảm mạnh so với trước khi được công nhận OCOP (chủ yếu từ năm 2019 - 2020) do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó giảm mạnh nhất là doanh thu của các doanh nghiệp (giảm bình quân 31%), tiếp đến là doanh thu của hợp tác xã (giảm 11,85%). Doanh thu của nhóm chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhất với mức giảm là 6,67%. Nhóm dịch vụ du lịch là chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giảm tới 98% doanh thu.
Có khoảng 69% số chủ thể khảo sát đánh giá các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP đã được cải thiện tốt hơn so với trước khi tham gia chương trình OCOP.
Quy trình, công nghệ áp dụng trong sản xuất đa dạng, phù hợp cho từng nhóm sản phẩm và có sự cải thiện rõ rệt sau khi tham gia chương trình OCOP. Kết quả khảo sát cho thấy, đến 60% các chủ thể OCOP hiện đang áp dụng công nghệ bán tự động (kết hợp giữa thủ công và máy móc hiện đại).
Báo cáo cũng cho biết, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP là một trục nội dung quan trọng giúp sản phẩm tiếp cận được với khách hàng nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua cách làm về định vị thương hiệu, sản phẩm sẽ được định vị trên thị trường so với sản phẩm cùng loại. Từ đó, các giải pháp về thị trường sẽ cụ thể và tập trung hơn.
Việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu đồng bộ của các chủ thể sẽ giúp sản phẩm có mức độ nhận diện tốt trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hoạt động xúc tiến thương mại qua hội chợ triển lãm trong nước vẫn được đánh giá là cách làm hiệu quả. Qua đây, chủ thể có cơ hội trực tiếp gặp gỡ khách hàng để đàm phán kinh doanh hoặc nghe phản hồi từ thị trường. Đối với thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại tại ngước ngoài một cách chủ động sẽ giúp chủ thể mở rộng cơ hội thị trường, chuẩn hóa sản phẩm COOP cho thị trường xuất khẩu.
Nhiều chủ thể thành công cũng rất tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông trên báo, đài, sự kiện truyền thông,… để nâng cao mức độ nhận diện của sản phẩm trên thị trường, cải thiện uy tín sản phẩm.
Ở khía cạch khác, việc chủ động áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số giúp chủ thể gia tăng tốc độ tiếp cận khách hàng và tiếp nhận phản hồi từ thị trường. Áp dụng công nghệ số còn đem lại hiệu quả cao trong quảng bá thương hiệu và bán hàng.Việc lựa chọn thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu và tiêu chuẩn thị trường giúp chủ thể có chiến lược tiếp cận khách hàng chủ động.
Cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ở trong và ngoài nước
Từ bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai và cách làm làm hiệu quả của các chủ thể OCOP được khảo sát, nhóm nghiên cứu kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa của Chương trình và sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế; đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP ở thị trường quốc tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các chủ thể;…
Đối với các chủ thể OCOP, việc áp dụng sáng tạo, hiệu quả các cách làm hay, bài học tốt của các chủ thể thành công vào mô hình thực tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiệu quả.
Theo ông Phương Đình Anh - Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau gần 4 năm triển khai chương trình, đến nay, cả nước đã có 7.463 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao, 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Hơn 4.061 chủ thể OCOP, trong đó có 38,7% là hợp tác xã, 25,9% là doanh nghiệp, 33,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đến nay Chương trình OCOP đã trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả nổi bật và tác động tích cực, Chương trình OCOP trong giai đoạn vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương trong giai đoạn đầu thường phát triển tập trung về số lượng, chạy theo thành tích, chưa chú trọng vào thực chất, gắn với lợi thế bản địa. Các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định về chất lượng và sản lượng. Mức độ nhận biết sản phẩm OCOP trên thị trường còn thấp….
Chương trình OCOP sẽ tiếp tục được coi là giải pháp trọng tâm để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, hoạt động “Nghiên cứu bài học kinh nghiệm thành công trong phát triển sản phẩm OCOP” có ý nghĩa quan trọng góp phần đề xuất được cách làm và giải pháp hiệu quả cho Chương trình OCOP ở Việt Nam trong giai đoạn tới.