Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu thu về khoảng 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê cho thấy, cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chính đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 105,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nhóm dẫn dắt tăng trưởng chung khi chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm |
Trong số các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của nhóm này, dệt may tiếp tục ghi nhận những kết quả nổi bật cả về đơn hàng và lợi nhuận.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện nay, tình hình xuất khẩu dệt may đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Nhiều công ty dệt may đã nhận đủ đơn hàng để sản xuất tới giữa năm nay, một số công ty thậm chí có đơn hàng đến hết tháng 9. Trong khi đó, ngày càng có nhiều công ty phải từ chối đơn hàng vì không có đủ nhân lực để sản xuất.
Ngoài dệt may, các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam cũng đã nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng, trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang vận hành hết công suất cho tới quý III/2022. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới.
Bên cạnh nhóm công nghiệp chế biến, bất chấp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong suốt thời gian qua, nhóm nông, lâm, thủy sản vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng, với kết quả xuất khẩu đạt 10,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong nhóm này, xuất khẩu thủy sản ước tính 4 tháng đem về 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất). Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam.
Tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 4 tháng, nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả trên, trong tháng 4 thặng dư thương mại khoảng 1,089 tỷ USD, đưa mức xuất siêu của cả nước trong 4 tháng lên con số khoảng 2,53 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho biết, kết quả xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm đem lại nhiều tín hiệu tích cực không chỉ cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, tình hình thế giới có nhiều biến động, giá cả nhiều loại nguyên nhiên vật liệu tăng cao… được nhận định sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, theo chuyên gia này, việc tìm ra bước đi, cách quản trị rủi ro là việc cần phải tính tới. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, Hợp tác xã, nông dân và các tổ chức Hiệp hội cần phải thắt chặt hơn nữa để cùng nhau vượt qua những thách thức của thị trường.
Theo Bộ Công Thương, để giữ nhịp tăng trưởng, lãnh đạo bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới
Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Riêng với mặt hàng nông sản, theo Bộ Công Thương, mặc dù Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, rất nhiều nông sản đã được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu vào nước này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc tìm giải pháp để nông sản, thủy sản đáp ứng tốt hơn yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc, tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch và giảm xuất khẩu tiểu ngạch là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Để đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản, Bộ Công Thương cho rằng cần sớm chuyển xuất khẩu sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tức là tuân thủ toàn bộ các quy định của nước nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu, trong đó có các quy định về thuế, phí cũng như về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác… Do đáp ứng được toàn bộ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu nên hàng hoá xuất khẩu chính ngạch có thể vào thị trường nhập khẩu qua tất cả các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng kế hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thành lập các khu trung chuyển, kho bãi lưu trữ hàng hoá…
Đồng thời, khẩn trương triển khai mở rộng khu vực bến bãi cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá nhằm thúc đẩy chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Xây dựng cơ chế, chính sách giảm chi phí lưu kho, phí sử dụng cơ sở hạ tầng biên giới, khuyến khích hoạt động thương mại chính ngạch.