Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 13/5: Lĩnh vực hội nhập - xuất nhập khẩu được quan tâm
Công Thương và công luận 13/05/2022 11:14
Nổi bật trong lĩnh vực hội nhập được đề cập trên báo chí là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ. Báo Công Thương có bài “Việt Nam - Hoa Kỳ: Coi quan hệ kinh tế, thương mại là động lực thúc đẩy mối quan hệ”, trong đó đề cập đến việc Thủ tướng nêu rõ Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển.
Trong khi đó, Báo VietnamPlus lại có bài: “Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ”. Bài báo này cho biết, tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời các câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan chuyển đổi số, thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ thực hiện tất cả các vấn đề trên, trên tinh thần đây là những vấn đề có tính chất toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề tác động tới toàn dân nên có cách tiếp cận toàn dân.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, báo Thanh niên cho biết: “Xuất khẩu kiếm 'bộn' tiền”. Theo tờ báo này, tỷ giá USD tăng mạnh trong khi các ngoại tệ khác như euro, yen Nhật lao dốc, tiền đồng ổn định đã tác động thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhiều công ty xuất khẩu công bố mức doanh thu và lợi nhuận quý 1/2022 có mức tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số đơn vị đã thu được khoản lợi nhuận cao từ tỷ giá hối đoái. Nếu xuất khẩu bộn tiền vì USD tăng thì ở đầu ngược lại, nhiều đơn vị đang nhập khẩu hàng hóa từ một số thị trường như châu Âu, Nhật Bản cũng hưởng lợi lớn khi đồng tiền các nước này liên tục đi xuống.
Trong khi đó, đề cập đến vấn đề thị trường, Thời báo Kinh tế Việt Nam VnEconomy cho biết: “Doanh nghiệp đồ uống Việt Nam có nhiều cơ hội chinh phục thị trường Trung Quốc”. Theo đó, là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống. Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc.
Trên lĩnh vực tiêu dùng, giá xăng dầu tiếp tục là chủ đề nóng được nhiều báo quan tâm. Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, báo VTV News có bài: Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân giá xăng tăng cao khi giá dầu thế giới hạ nhiệt. Liên Bộ Công thương - Tài chính lý giải, thực tế, giá bán lẻ xăng dầu trong nước dựa trên giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore. Bởi, để có sản phẩm là xăng dầu thành phẩm, dầu thô cần trải qua quá trình lọc. sản lượng xăng chỉ tương đương 50% lượng dầu thô ban đầu.
Trong khi đó, VOV News đặt ra câu hỏi: “Có nên giảm thêm thuế để hạ giá xăng dầu?”. Báo này viết, theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.