Tăng 6,7%, xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 8 khởi sắc Xuất nhập khẩu vượt khó, hồi phục |
Xuất nhập khẩu đã chạm đáy?
Từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu đã liên tục gặp khó khăn và có sự suy giảm ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là và tháng gần đây, xuất nhập khẩu đã có tín hiệu dần phục hồi.
Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%.
Xuất khẩu dệt may dần phục hồi |
Liên tục khoảng 4 tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng sau cao hơn tháng trước. Dù con số tuyệt đối chưa thực sự ấn tượng, song dấu hiệu phục hồi này cho thấy các giải pháp xúc tiến xuất khẩu đã và đang mang lại kết quả tích cực.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước.
Còn theo con số của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2023 đạt 14,22 tỷ USD, tăng 5,3%, tập trung cho các mặt hàng phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Trước đó, kỳ 2 tháng 7 (16-31/7), kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 13,5 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% (117 triệu USD) so với nửa đầu tháng 7; trong nửa đầu tháng 7, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 13,4 tỷ USD, tăng 5,5% so với nửa cuối tháng 6/2023, tương đương kim ngạch tăng thêm khoảng 700 triệu USD. Liên tiếp vài tháng trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu đều có dấu hiệu tăng trưởng.
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu tập trung mạnh vào các mặt hàng nguyên phụ liệu, tư liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đây là tín hiệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong nửa cuối năm sẽ có kỳ vọng tăng trưởng mạnh.
Về phía các chuyên gia, ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã trải qua chuỗi suy giảm dài nhất trong hơn một thập kỷ với mức giảm 10% trong 7 tháng đầu năm. Tuy nhiên, có một số tín hiệu cho thấy hoạt động này sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã chạm đáy, sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"Chúng tôi kỳ vọng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm sau, với mức tăng trưởng 8-9%, thúc đẩy tăng trưởng GDP phục hồi từ khoảng 5% trong năm 2023 lên 6,5% trong năm 2024", báo cáo của VinaCapital viết.
Theo chuyên gia của VinaCapital, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ và các công ty hàng tiêu dùng tại Mỹ đã đặt mua quá nhiều sản phẩm "Made in Vietnam" trong năm ngoái với kỳ vọng về sự phục hồi của kinh tế sau đại dịch. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Thay vì mua nhiều hàng tiêu dùng hơn, người Mỹ lại ưu tiên chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch và ăn uống. Lượng hàng tồn kho của Walmart, Target và Nike đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước vào khoảng cuối năm 2022.
Để giải quyết lượng tồn kho ở mức quá cao, các tập đoàn đa quốc gia đã cắt giảm đơn đặt hàng tại các nhà máy Việt Nam. Nỗ lực này làm cho xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, nhưng việc này đang gần kết thúc và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh vào tháng 7 vừa qua, tăng gần 7% so với tháng 6.
Samsung cho biết, doanh số bán hàng điện thoại thông minh giảm 12% trong quý II năm nay, nhưng họ kỳ vọng về sự phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhờ vào việc ra mắt các mẫu điện thoại mới. Apple và Google cũng có kế hoạch ra mắt các ra mắt các sản phẩm quan trọng. Tuy những mẫu điện thoại mới này sẽ không được sản xuất tại Việt Nam, nhưng nhiều linh kiện được sử dụng cho các điện thoại mới sẽ được sản xuất tại Việt Nam bởi Foxxconn, Luxshare, Goertek và các nhà cung cấp khác. Đây là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ra nước ngoài.
Kỳ vọng cho những tháng cuối năm
Đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực cũng đang có nhiều tín hiệu đáng mừng.
Cụ thể, với ngành hàng rau quả, mới đây, thông tin dừa tươi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Mỹ đã tạo cơ hội mới cho ngành hàng kinh tế chủ lực của tỉnh Bến Tre, với kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm ngành hàng dừa trên 270 triệu USD, chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Tiên phong đưa dừa tươi vào thị trường Mỹ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành – Bến Tre vừa xuất đi một chuyến xe container dừa uống nước xuất khẩu sang Mỹ đầu tiên vào 29/8/2023, kể từ khi APHIS (Cục Kiểm dịch động thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) thông tin cho phép Việt Nam xuất khẩu dừa sang thị trường này vào đầu tháng 8/2023.
Với kết quả này, 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dừa của Bến Tre ước đạt 270,54 triệu USD/năm, chiếm 24,42% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tín hiệu vui của trái dừa tươi sẽ đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả - một trong những ngành hàng đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong những tháng đầu năm với 57,5%, đạt 3,45 tỷ USD.
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tìm kiếm các thị trường mới |
Ở ngành hàng gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, thời gian qua, trong những giải pháp để ứng phó với sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính, ngành chế biến gỗ đã chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh. Theo đó, các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đặc biệt phải kể đến thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới. Với nội lực của ngành chế biến gỗ, mục tiêu xuất khẩu của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây.
Đối với hàng dệt may, trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn khá nhiều so với mức giảm 17% trong nửa đầu năm 2023. Đây cũng là tháng ghi nhận giá trị xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD trong năm 2023.
Xuất nhập khẩu hàng hoá vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, song những tín hiệu vui cũng đã le lói trở lại. Với quy luật hàng năm là xuất khẩu sẽ tăng mạnh vào mùa lễ hội cuối năm, cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều hy vọng.