Xuất khẩu tuần từ 1-7/4: Sản phẩm cá ngừ được xuất khẩu sang 80 thị trường; xuất khẩu hạt điều tăng vọt Xuất khẩu tuần từ 8-14/4: 2 nhóm hàng xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng 3 con số |
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, quý I/2024 đánh dấu sự vươn lên của Việt Nam, lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang Singapore đạt cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%).
Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore |
Cộng gộp cả Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ là 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu chiếm 91,21% thị phần gạo tại Singapore.
Theo thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp của Singapore, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Singapore trong 3 tháng qua đạt kim ngạch 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thành công danh mục sản phẩm xuất khẩu sang các mặt hàng khác như gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ.
Bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, 2 nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%, là nhân tố chính đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.
Hiện, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo Singapore.
Xuất khẩu cao su khởi sắc
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 116.099 tấn với trị giá hơn 180 triệu USD, tăng mạnh 32,3% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với tháng 2/2024. Lũy kế hết tháng 3 nước ta đã xuất khẩu 414.317 tấn cao su với trị giá hơn 607 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 116.099 tấn |
Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam. Từ trước tới nay quốc gia này vẫn luôn là khách hàng lớn nhất của ngành cao su Việt Nam với tỷ trọng ở mức cao dù diễn biến giá tăng hay giảm. Với lợi thế giá thành rẻ cùng nguồn cung cao su dồi dào, các đối tác Trung Quốc luôn thích mua cao su sơ chế từ Việt Nam.
Kết thúc tháng 3, Trung Quốc nhập từ nước ta 287.852 tấn cao su với trị giá hơn 407 triệu USD, giảm nhẹ 1% về lượng và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.416 USD/tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 2 của Việt Nam với 28.948 tấn, tương đương hơn 45 triệu USD, tăng mạnh 67% về lượng và tăng 82% về trị giá so với quý 1/2023. Giá xuất khẩu đạt bình quân 1.427 USD/tấn, tăng 9%.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 với 12.055 tấn, trị giá đạt hơn 19,2 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 42% về trị giá. Giá xuất khẩu tăng nhẹ 4% với 1.547 USD/tấn.
Việt Nam là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 11,7% tổng lượng cao su thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan 33,2% và Indonesia 27,2%. Năng suất bình quân của cao su Việt Nam đạt 1.682 kg/ha, đứng thứ nhất châu Á.
Xuất nhập khẩu đạt hơn 200 tỷ USD tính đến giữa tháng 4/2024
Trong nửa đầu tháng 4 (1-15/4), kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó có 4 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.
Xuất nhập khẩu đạt hơn 200 tỷ USD tính đến giữa tháng 4/2024 |
Ngoài ra, nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…
Đối với ngành nông nghiệp, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực cũng ghi nhận kim ngạch hàng trăm triệu USD như: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, cà phê, rau quả, gạo.
Tính chung từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 107,82 tỷ USD, tăng 16,34% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 15 tỷ USD).
Chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4 đạt 16,1 tỷ USD. Hai nhóm hàng nhập khẩu tỷ đô trong nửa đầu tháng này là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 101,1 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm 13,5 tỷ USD).
Như vậy, từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạchxuất nhập khẩu cả nước đạt 208,94 tỷ USD, với cán cân thương mại thặng dư 6,7 tỷ USD.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Canada tăng mạnh trở lại
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), nửa đầu tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Canada đạt 2,3 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3/2024, Canada nhập khẩu hơn 8 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Canada vẫn duy trì là thị trường lớn thứ 2 trong khối CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam, chiếm 20% trong tổng giá trị khối này nhập khẩu từ Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Canada tăng mạnh trở lại |
VASEP cho biết, so với các thị trường khác cùng khối CPTPP, người tiêu dùng Canada ưa chuộng các món ăn từ phile cá tra, phile cá da trơn đông lạnh, cá tra cắt miếng/khoanh/khúc đông lạnh...
Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tháng 1/2024, Canada nhập khẩu từ Việt Nam hơn 900 tấn, trị giá 2 triệu USD, giảm 10% về giá trị và tăng 28% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) cho Canada với hơn 9.000 tấn, trị giá gần 31 triệu USD.
Canada nhập khẩu cá tra từ nhiều nguồn cung như Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Cá tra cũng phải cạnh tranh với nhiều loại cá khác trên thị trường, đặc biệt là cá tuyết cod đông lạnh mã HS 030363 và cá rô phi tươi hoặc ướp lạnh HS 030271. Bên cạnh đó, Canada thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm nay dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được 2 tỉ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỉ USD năm 2023.