Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực tăng chậm
Chia sẻ tại diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU” diễn ra ngày 18/7, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phó Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết: Trong 5 tháng đầu năm nay, trừ thị trường Mỹ, xuất khẩu từ Việt Nam đi tất cả các thị trường đều giảm tốc. Trong đó thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhất và chúng ta đang phải chịu thâm hụt thương mại với nước này khi Trung Quốc tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch VECOM phát biểu khai mạc diễn đàn |
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) khẳng định, xuất khẩu ngành dệt may đã ảnh hưởng từ cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Cụ thể là ngành sợi năm nay không xuất khẩu được vào Trung Quốc, trường hợp họ mua thì lại yêu cầu phía Việt Nam giảm giá 15%.
Với hàng nông sản, ông Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh chỉ ra, đối với một số mặt hàng hiện Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao vào Mỹ, Trung Quốc như gạo, cà phê, tiêu, điều, thì khả năng mở rộng thương mại là có tuy nhiên không quá cao.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho rằng, việc DN cần phải làm ngay lúc này là đa dạng hóa thị trường, tận dụng lợi thế công nghệ tiên tiến để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mới.
Các diễn giả chia sẻ những thách thức của thương mại toàn cầu với xuất khẩu Việt Nam |
Tận dụng kênh thương mại điện tử
Theo các chuyên gia, để gia tăng kim ngạch trong thời gian tới, trong ngắn hạn, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường, bao gồm những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng…
Hiện hai sàn thương mại điện tử Amazon và Alibaba đều đang đẩy mạnh hoạt động thu hút các DN Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử của mình. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho DN bởi chỉ tính riêng số lượng tài khoản người mua hàng trên Amazon đã lên tới 300 triệu, còn Alibaba vào khoảng 260 triệu.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới. Do đó xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp DN có được đơn hàng một cách nhanh chóng.
Hàng trăm doanh nghiệp quan tâm tham gia diễn đàn |
Để hỗ trợ DN Việt tham gia vào môi trường thương mại điện tử, Cục Xúc tiến thương mại đang tham mưu, đề xuất xây dựng điều chỉnh các cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại để phù hợp với yêu cầu phát triển ngoại thương, xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh thực thi các hiệp định FTA của Việt Nam hiện nay. Cụ thể là xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử thông qua việc mở tài khoản, duy trì tài khoản/tư cách thành viên, xây dựng quy trình đánh mã, quản lý kho các sản phẩm dự định bán trên thương mại điện tử...
Theo ông Phú, hiện Cục Xúc tiến thương mại đã hợp tác cùng Amazon trong việc xây dựng phát triển thương hiệu Việt qua Amazon. Hai bên đã thống nhất phối hợp thực hiện các nội dung chính như: hỗ trợ DN Việt Nam; trong đó ưu tiên cho các DN vừa và nhỏ, tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com; đào tạo cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam về thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon…
Ông Phạm Tấn Đạt - CEO FADO (một đối tác của Alibaba.com): Trong xuất khẩu trực tuyến, DN phải biết quản trị rủi ro để tránh bị thiệt hại. Những vấn đề DN cần lưu ý là đầu tư kiểm soát nội dung chi tiết trong hợp đồng để có thể bảo vệ người bán cũng như người mua ngay từ đầu. Cụ thể là ghi rõ ràng các sản phẩm liên quan đến hóa đơn hợp đồng/proforma cũng như tất cả các thông số kỹ thuật liên quan đến các sản phẩm… Ngoài ra, DN cần chú ý phân tích sản phẩm và đích đến của lô hàng để lựa chọn công ty vận chuyển phù hợp, đồng thời mua bảo hiểm xuất khẩu để đề phòng rủi ro xảy ra. |