Xuất khẩu hàng hóa qua Amazon: Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp Hàng trăm doanh nghiệp phía Nam tìm cơ hội xuất khẩu xuyên biên giới qua Amazon |
Đánh giá về thuận lợi mà công nghệ số mang lại cho doanh nghiệp, ông Bernard Tay, Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á - cho biết: Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây ứng dụng thương mại điện tử ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất sản phẩm trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, một số hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm vẫn còn tồn tại đã và đang cản bước nhiều doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới.
Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam bán trên Amazon |
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp cận khách hàng thế giới thông qua nền tảng thương mại điện tử, theo Amazon, tiếp nối những sáng kiến trong giai đoạn đầu tiên đã được Amazon triển khai, bắt đầu từ tháng 4/2019, Amazon và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí trên quy mô toàn quốc cho khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam mỗi đợt.
Chương trình góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thông qua nền tảng thương mại điện tử trên Amazon, đặc biệt với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, gốm sứ, vật dụng trang trí gia đình, hàng may mặc, thực phẩm khô...
Các doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo sẽ được trang bị những kiến thức, thông tin bổ ích về việc bán hàng trên thị trường quốc tế, bao gồm việc hướng dẫn từng bước để bắt đầu bán hàng trên Amazon, lựa chọn - lên danh sách sản phẩm, quảng bá marketing - tiếp thị, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng, quy trình logistics, kỹ năng quản lý…
Ông Bernard Tay - Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á khẳng định: Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khắc phục một số điểm hạn chế hiện có và mở ra cơ hội tiếp cận với khách hàng trên toàn thế giới. 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ được tuyển chọn sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên trong số hàng ngàn, hàng triệu doanh nghiệp trên cả nước đồng hành và phát triển cùng chúng tôi trong dài hạn. |
Trên thực tế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, sản phẩm tiêu dùng của doanh nghiệp Việt sản xuất được người tiêu dùng thế giới đón nhận tích cực. Về dệt may, năm 2018 Việt Nam xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD (tăng trưởng trên 16% so với 2017), và chỉ trong 2 tháng đầu năm nay ngành này cũng có mức tăng trưởng khá tích cực. Hay với ngành da giày xuất khẩu, nhờ có sự cải tiến chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà nhập khẩu, năm 2018 ngành hàng này cũng đạt kim ngạch 19,5 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2017); Với sản phẩm hàng tiêu dùng, nông sản, các mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới…
Mặc dù vậy, các nhà làm xuất khẩu cũng nhìn nhận không thể đứng ngoài nhìn sân chơi thương mại điện tử phát triển mà phải tiếp cận càng sớm càng tốt. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay, trong năm 2019, ngoài đẩy mạnh bán hàng từ kênh truyền thống thì bản thân các doanh nghiệp may mặc, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải tiếp cận phương thức bán hàng qua thương mại điện tử. Bởi việc tận dụng kênh bán hàng này sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí và đối tượng khách hàng hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhiều doanh nghiệp khi bắt tay kinh doanh qua thương mại điện tử tỏ ra khá lo lắng về cách thức đưa hàng, thanh toán… song theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Ba - Nhà sáng lập của Babu Handmade - một trong những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến trên Amazon, việc bán hàng này không khó như mọi người nghĩ bởi doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ từ sàn thương mại điện tử bất cứ khi nào họ cần.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh: Với những đặc trưng riêng của các doanh nghiệp và hàng hóa tại Việt Nam khi kết hợp với hệ thống phân phối thương mại điện tử sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế.