Hai "nút thắt" lớn
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất, chiếm 80% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới. Đây cũng đang là thị trường nhập khẩu tổ yến lớn nhất thế giới và lượng nhập khẩu ngày càng tăng.
Sản phẩm tổ yến của Công ty Hải Yến Nha Trang. Ảnh: Tâm An |
Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 557 tấn tổ yến, tăng 23,4% so với năm 2022. Trong quý I/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 145 tấn tổ yến, bằng gần 30% lượng tổ yến nhập khẩu trong cả năm 2023. Điều này cho thấy, nhu cầu nhập khẩu tổ yến của thị trường Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên và có thể tăng khoảng 15% trong năm nay.
Nhu cầu nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc đang tăng nhưng xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang thị trường này còn khiêm tốn. Trong quý I/2024, các doanh nghiệp ngành yến Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 2 tấn tổ yến sang Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc còn thấp, theo các doanh nghiệp, là do hầu hết người tiêu dùng nước này chưa biết tới tổ yến nhà của Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa - nhận định, tổ yến Việt Nam xuất sang quốc gia này phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của của Indonesia, Thái Lan và Malaysia - vốn phổ biến từ lâu. Mặc dù, chất lượng của tổ yến thiên nhiên của Việt Nam tốt hơn, nhưng bị so sánh về giá với yến của các quốc gia khác. Nếu không làm rõ, chắc chắn sau này sản phẩm yến của nước ta rất khó để phát triển.
Ông Lê Thành Đại - Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam - chia sẻ, từ nhiều năm nay, người Trung Quốc đã quen sử dụng tổ yến nhập khẩu từ Malaysia và Indonesia. Với tổ yến Việt Nam, người Trung Quốc gần như chỉ biết đến thương hiệu yến sào Khánh Hòa, nhưng yến sào Khánh Hòa là yến đảo nên có giá rất cao, chỉ người khá giả mới có thể sử dụng. Còn tổ yến nhà của Việt Nam, vốn dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng phổ thông, lại chưa mấy người biết đến.
Mặt khác, đại đa số nhà yến chưa có cơ sở pháp lý đang ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung tổ yến nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Mặc dù Nghị định 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, đã dành riêng một điều về quản lý nuôi chim yến với những quy định về vùng nuôi, cơ sở nuôi chim yến. Đây là những nền tảng, cơ sở pháp lý ban đầu để ngành yến phát triển.
Tuy nhiên, đến nay, đa số nhà yến vẫn chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, bởi nhà yến là công trình xây dựng để chăn nuôi chứ không phải là nhà ở, nhưng chưa có quy trình, thủ tục để cấp phép. Vì vậy, hiện đang có trên 90% nhà yến không có giấy phép xây dựng, không có cơ sở pháp lý để công nhận. Đây là một thiệt thòi cho ngành yến, vì các nhà yến đã được xây dựng là một nguồn lực rất lớn để người nuôi yến có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng, đầu tư vào khâu sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị tổ yến.
Ông Hồng Đình Khoa - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến - thông tin, khi doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu tổ yến thành phẩm, trong bộ hồ sơ xuất khẩu phải có hồ sơ chứng minh được nguồn gốc tổ yến nguyên liệu. Tuy nhiên, đại đa số nhà yến tại Việt Nam trước đây được xây dựng không đúng theo quy định.
Mặc dù Nghị định 13 đã cho phép những nhà yến dạng này được tồn tại với yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng và không cơi nới, nhưng khi triển khai ở các địa phương thì nhiều địa phương vẫn đang ngần ngại trong việc thừa nhận sự tồn tại của những nhà yến này, từ đó làm hạn chế cho việc xác nhận nguồn gốc tổ yến nguyên liệu.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm
Ngành yến mới phát triển trong khoảng trên dưới 20 năm. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngành yến mới trở thành một ngành kinh tế thực sự. Hiện nay, nước ta có trên 22.000 nhà nuôi yến. Sản lượng tổ yến đạt khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD.
Công ty Hải Yến Nha Trang đã xuất khẩu lô hàng tổ Yến sào chất lượng cao sang Trung Quốc. Ảnh: Tâm An |
Tuy nhiên, sự thiếu đồng nhất trong quản lý nhà nước đối với nghề nuôi chim yến đang là một trong những trở ngại cho xuất khẩu tổ yến do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu.
Theo ông Lê Thành Đại, hiện nay, do không có hướng dẫn cụ thể nên địa phương nào quan tâm, muốn thúc đẩy ngành yến phát triển, chính quyến ở đó nhiệt tình trong việc xác nhận nhà yến theo Nghị định 13. Trong khi đó, rất nhiều địa phương vẫn chưa xác nhận với lý do chưa có hướng dẫn.
Để giải quyết được vấn đề này, ông Đại cho rằng, các bộ có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cần ngồi lại với nhau để cùng ban hành hướng dẫn về một quy trình thống nhất để các địa phương có cơ sở áp dụng vào quản lý nhà yến.
Song song với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, để đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc biết tới và sẵn sàng mua tổ yến Việt Nam, ngoài việc nâng cao chất lượng tổ yến xuất khẩu, cần phải đẩy mạnh các chương trình tiếp thị, quảng bá tổ yến Việt Nam trên thị trường Trung Quốc, để người tiêu dùng Trung Quốc biết rằng, ngoài thương hiệu yến sào Khánh Hòa có nguồn gốc là yến đảo, Việt Nam còn những thương hiệu tổ yến khác với nguồn gốc yến nhà, cũng có chất lượng rất tốt.
Về phía Hiệp hội Yến sào Việt Nam, sẽ có một chương trình làm việc với kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc. Hai bên sẽ hợp tác quảng bá, đưa hình ảnh tổ yến Việt Nam đến với tất cả các vùng miền của Trung Quốc. Chương trình này có mục tiêu để đông đảo người Trung Quốc biết tới tổ yến từ nguồn gốc yến nhà của Việt Nam từ chất lượng, hàm lượng các chất dinh dưỡng, các thương hiệu đáng chú ý... Với sự hợp tác quảng bá bài bản như vậy, Hiệp hội Yến sào Việt Nam hy vọng sẽ tạo niềm tin với người tiêu dùng Trung Quốc, qua đó xác lập được chỗ đứng cho tổ yến Việt Nam tại thị trường này.
Ngày 16/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc. Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho 7 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến vào thị trường này.
Với kinh nghiệm xuất khẩu yến vào thị trường Trung Quốc từ trước đó, bà Trịnh Thị Hồng Vân cho rằng, ngoài vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm..., doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ thị hiếu của thị trường để sản xuất các mặt hàng phù hợp. Bởi, doanh nghiệp có thành công hay không, khách hàng quyết định tới 90%.