Sầu riêng là điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu rau quả
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, đây là con số cao kỷ lục, trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.
Xuất khẩu sầu riêng 9 tháng năm 2024 thu về 2,5 tỷ USD (Ảnh: Minh Quý) |
Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35 - 90%.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, sản xuất cây ăn quả của nước ta liên tục tăng trưởng về diện tích, sản lượng. Năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả của cả nước đạt gần 1,25 triệu ha, tăng hơn 1,6 lần so năm 2013. Tổng sản lượng khoảng 14 triệu tấn. Hai vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước là vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 33% diện tích và trung du miền núi phía Bắc chiếm 23% diện tích.
Cả nước hiện có khoảng 50 loại cây ăn quả, gồm các loại quả ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới; trong đó nhóm các loại quả nhiệt đới có lợi thế xuất khẩu. Năm 2023, giá trị xuất khẩu rau quả đạt hơn 5,6 tỷ USD - tăng gấp 1,47 lần so năm 2018 (năm có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất giai đoạn trước đây).
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 tăng trưởng bứt phá, vượt qua thanh long, vươn lên vị trí số 1, với khoảng 2,2 tỷ USD (tăng hơn 5 lần so năm 2022). Nhu cầu tiêu thụ, dư địa thị trường rau quả toàn thế giới lớn, liên tục tăng từ 222 tỷ USD năm 2013 lên 311 tỷ USD năm 2022, tăng hơn 1,4 lần sau 10 năm.
Sầu riêng Việt Nam hiện xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – thông tin, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này cũng đang gặp sự cạnh tranh không nhỏ. Theo đó, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các quốc gia có khí hậu thuận lợi. Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra. Bên cạnh đó, cuộc đua xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khốc liệt khi Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia... cùng tham gia.
Cần tuân thủ luật chơi của thị trường
Để mặt hàng trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, quá trình tổ chức sản xuất cần áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; tập trung xây dựng các tiêu chuẩn đối với từng loại rau quả; quá trình canh tác cần cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất gia tăng lợi nhuận.
Đặc biệt, trong canh tác cần áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử để minh bạch quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm, gắn với Sản phẩm đặc sản, chỉ đẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh. Con số này dự kiến cũng sẽ tăng.
Ngày 19/8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh, ông Nguyễn Quang Hiếu - Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật - cho biết, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh, vì nó phù hợp hơn. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu khuyến nghị, các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, vùng trồng cần đặc biệt lưu ý một số điều khi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. “Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, thì Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Quang Hiếu nói.
Theo các chuyên gia, để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Nghị định thư đã ký.
Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, kết hợp với việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính minh bạch khi có yêu cầu. Với sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ cấp đông, cải thiện kỹ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.