Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 hướng đến mục tiêu 54 - 55 tỷ USD Xuất khẩu rau quả ghi dấu ấn kỷ lục Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc năm 2024: Cơ hội rộng mở |
Ông Nguyễn Đình Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Năm 2023 khép lại, rau quả Việt ghi nhận những dấu ấn kỷ lục, ông có thể chia sẻ về điều này?
Năm 2023 được đánh giá là năm thành công đối với rau quả Việt Nam khi đón nhận nhiều tín hiệu tích cực đến từ các thị trường. Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc thu về hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng rõ rệt.
Xuất khẩu rau quả năm 2024 dự báo tăng 20% |
Còn với Hoa Kỳ, thị trường này đã mở cửa cho trái bưởi, trái dừa Việt Nam. Những yếu tố này giúp cho việc xuất khẩu trái cây vào thị trường này tăng lên khoảng 30% so với năm ngoái. Ngoài ra, trái bưởi, chanh vào được thị trường New Zealand. Đây là thị trường tiêu thụ bưởi và chanh không hạt rất tốt của Việt Nam. Những yếu tố này đã góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng một cách vượt bậc.
Ngoài ra, với các loại trái cây truyền thống chúng ta vẫn duy trì được tốc độ phát triển thị trường. Từ đó, giúp cho bức tranh tổng thể của xuất khẩu rau quả có sự tăng trưởng lớn.
Thị trường EU, khi có EVFTA, hiện chúng ta đã xuất khẩu được một số sản phẩm mang tính chất ổn định như chuối, sầu riêng, dừa, nhãn và các loại rau gia vị.
Tại thị trường Nhật Bản, sau thanh long, xoài và vải, thì trái nhãn tươi cũng đã được khơi thông tại thị trường này. Vào được thị trường khắt khe này đồng nghĩa với việc trái cây Việt Nam nói chung, quả nhãn nói riêng sẽ có cơ hội chinh phục các nước phát triển khác,…
Có thể thấy, rau quả Việt đã phủ sóng khắp các thị trường và ngày càng hiện diện nhiều hơn ở các thị trường khó tính nhất. Ngành rau quả Việt Nam ngày càng có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới.
Trong năm 2023, cũng có 1 số thông tin không được tích cực khi đâu đó rau quả bị thu hồi, tiêu hủy, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng đặt ra các quy định khắt khe, các doanh nghiệp cần làm gì thưa ông?
Có thể nói, để đàm phán được 1 loại rau quả, trái cây vào được một thị trường thì rất khó khăn. Chúng ta phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí kỹ thuật của thị trường và khi thị trường chấp nhận và cho nhập khẩu chính ngạch thì đây là một bước tiến lớn.
Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường mới chỉ là bước đầu, để duy trì và phát triển thị trường thì cần sự chung tay, đồng lòng của nhiều bên. Trong đó, doanh nghiệp là người đưa sản phẩm đi phải có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam |
Tôi lấy ví dụ, với thị trường Nhật Bản, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ 1,5 tấn, đây là con số không là quá lớn trong tổng sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam.
Nhưng rõ ràng, nếu chúng ta làm không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu của sầu riêng nói chung và của cả ngành rau quả Việt.
Từ những thông tin không tích cực, các thị trường khác thấy vậy họ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Dẫn đến rủi ro trong việc xuất khẩu trái cây nói riêng và rau quả nói chung sẽ rất lớn.
Hay câu chuyện xuất khẩu ớt sang thị trường Hàn Quốc. Sau những cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam về vi phạm mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, đặc biệt là mặt hàng ớt đông lạnh, cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. Cụ thể, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam nằm trong giai đoạn kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2024 đối với 7 loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolein, Methominostrobin.
Có thể thấy, các thị trường xuất khẩu ngày càng ngày nâng cao hàng rào kỹ thuật. Tham gia sân chơi này, tất cả các doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu từ thị trường mà doanh nghiệp sẽ xuất khẩu vào. Đây là điều kiện thiết yếu. Nếu không đảm bảo thì thiệt hại trước tiên sẽ thuộc về doanh nghiệp, nhẹ thì sẽ mất tiền, đền bù hợp đồng, nặng thì sẽ bị đưa vào danh sách đen thị trường đó và sẽ không thể nào xuất khẩu được. Việc này gây là thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp mà lớn lao hơn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của toàn ngành rau quả của Việt Nam.
Vấn đề này, không chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới, các nước thỉnh thoảng họ cũng sẽ bị rủi ro này. Ở đây chúng tôi muốn nói đó là không phải nhìn vào những rủi ro, những khó khăn mà các doanh nghiệp nản, mà ở đây các doanh nghiệp cùng bảo ban nhau để làm cẩn thận hơn, làm tốt hơn để từ đó giữ vững thị trường xuất khẩu.
EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU, đâu là nguyên nhân thưa ông?
Việt Nam – EU đã ký Hiệp định EVFTA. Thị trường EU cho tất cả các loại rau quả của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này. Chúng ta cũng không phải qua hàng rào đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu rau quả của 2 nước. Đây là một lợi thế!
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là vận chuyển xa, hàng rào kỹ thuật rất khó khăn. Ví dụ, thị trường Hoa Kỳ họ chỉ đưa ra 7 hoạt chất cấm và đưa ra những quy định rất rõ ràng trong việc nhập khẩu rau quả vào thị trường này. Nhưng với thị trường EU, họ đưa ra hơn 30 hoạt chất cấm và thường xuyên đưa ra các hoạt chất mới vào. Khi hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này, tỷ suất bị kiểm tra rất cao, đôi khi lên tới 100%, đôi khi 70 – 80%. Và khi hàng hóa bị kiểm tra, cho dù đạt được thì không còn thời gian để bán ngoài thị trường. Mặt hàng rau phải đi đường máy bay, chi phí cao, bảo quản chỉ được 3 - 4 ngày, trong khi thời gian kiểm nghiệm mất 1 - 2 ngày, dẫn đến doanh nghiệp không có thời gian để bán.
Do đó, doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được những mặt hàng bảo quản được lâu như bưởi, dừa, nhãn, hay những mặt hàng vỏ dày, rủi ro ít như sầu riêng tươi đi đường máy bay.
Như vậy, yếu tố địa lý, hàng rào kỹ thuật là những lý do chính khiến tỷ trọng xuất khẩu rau quả Việt tại thị trường EU còn khiêm tốn. Ngoài ra, khi hàng hóa Việt vào thị trường EU ít, sự hiện diện hàng Việt Nam tại thị trường chưa nhiều, do đó, người tiêu dùng sẽ lựa chọn các mặt hàng của các nước khác để sử dụng.
Như với các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, chúng ta đi được sản lượng lớn, và ngày càng có sự tăng trưởng, sự hiện diện cũng tốt hơn với người tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tại thị trường Hoa Kỳ, so với năm 2008 đầu tiên là trái thanh long xuất khẩu, đến nay đã có 8 loại trái cây tươi của Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa và bưởi, dừa. Loại trái cây nào cũng bán rất tốt, trừ các loại theo mùa vụ và không có công nghệ bảo quản tốt và bán theo đường máy bay thì chúng ta bị hạn chế sản lượng.
Có thể thấy, năm 2023 là năm thành công của rau quả Việt Nam, ông nhận định như thế nào trong năm 2024 với ngành hàng này?
Bức tranh thị trường năm 2024 rất sáng cho ngành nông sản, cũng như rau quả Việt Nam bởi nhiều loại trái cây được khơi thông tại nhiều thị trường mới.
Ví dụ như trái dưa hấu, trước đây, chúng ta chủ yếu bán ở chợ biên giới, số liệu không được ghi nhận. Gi ống như thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam đang có chỗ đứng khá tốt tại thị trường Trung Quốc. Khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư mở chính ngạch, giúp cho trái dưa hấu phát triển tốt vượt bậc tại đất nước 1,4 tỷ dân này.
Do đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự báo tăng trưởng 15 - 20% so với năm 2023, tương đương từ 6,5 - 7 tỷ USD nếu vận dụng tốt thời cơ.
Cơ hội thị trường là rất lớn nhưng chúng ta phải cực kỳ cẩn trọng trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi vào thị trường nào, chúng ta phải hiểu luật chơi, hiểu hàng rào kỹ thuật của thị trường nước nhập khẩu. Đẩy mạnh công tác tiếp thị, xây dựng hình ảnh thương hiệu rau quả Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.
Thị trường rau quả thế giới là rất lớn để Việt Nam khai phá. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của thế giới, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đâu đó chỉ chiếm khoảng 2 - 3%.
Xin cám ơn ông!