Năm 2024, xuất nhập khẩu hàng hóa có thể đạt mốc kỷ lục 800 tỷ USD 9 tháng, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần tỷ USD Điểm sáng gạo Việt Xuất khẩu hàng hóa dự báo lập mốc lịch sử khoảng 400 tỷ USD |
Đơn hàng phục hồi, doanh nghiệp tăng tốc về đích
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 9 tháng năm 2024 đã vượt mốc 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Với tình hình khả quan thời gian gần đây, VITAS nhận định mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam năm 2024 là rất khả thi bởi cuối năm là cao điểm cho đơn hàng và sản xuất dịp Noel, Tết Nguyên đán.
Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng gấp gần 2 lần so với tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI. (Ảnh: S.T) |
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất khoảng 13.036 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, thực hiện được 73% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế khoảng 490 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ, thực hiện được 89% so với mục tiêu năm đặt ra.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex - cho biết, trong năm nay, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững. Điểm khác biệt duy nhất của năm 2024 so với năm 2023 đó là sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành chỉ xuất khẩu được khoảng 20 tỷ USD, tuy nhiên sau đó, trước những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanma đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam.
Công ty Dệt may Thành Công cho biết đã và đang nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024. Dệt may Thành Công kỳ vọng trong nửa cuối năm, tình hình đơn hàng xuất khẩu sẽ khả quan hơn và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm đề ra.
Tương tự, đối với ngành da giày, theo một số doanh nghiệp, đơn hàng nhận được hết năm 2024, thậm chí, một số doanh nghiệp có đơn hàng hết quý I/2025. Xuất khẩu da giày 9 tháng qua ước đạt 20 tỷ USD. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam - cho biết, đơn hàng hiện đang hồi phục trở lại, mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số đạt được là khá khả quan. Nếu duy trì được tốc độ phục hồi như hiện nay là 10% thì năm 2024, nhiều khả năng ngành da giày sẽ về đích với 27 tỷ USD.
Trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) - cho hay, trong niên vụ 2023 - 2024 từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,45 triệu tấn cà phê, dự kiến thu về 5,32 tỉ USD - giảm 12,7% về sản lượng nhưng tăng 30,4% về kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua cũng đạt mức kỷ lục của ngành này từ trước đến nay.
Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đã đạt 7,2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy là sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát trên thế giới, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định trở lại. Nhờ đó xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu Việt Nam đang trên đà bứt phá ngoạn mục với kim ngạch chín tháng đạt gần 300 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2023. Hàng xuất khẩu tăng trưởng ở tất cả các nhóm hàng, và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng gấp gần 2 lần so với tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI, đây cũng là tín hiệu rất đáng hoan nghênh. Cán cân thương mại tính đến thời điểm này xuất siêu gần 31 tỉ USD.
Xuất khẩu có triển vọng lập mốc lịch sử mới
Về thị trường xuất khẩu, báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, thị trường; Hàn Quốc; Nhật Bản.
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ tại các nước hoạt động tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng khả quan.
VITAS nhận định, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu dệt may năm nay khoảng 43,5 - 44 tỉ USD, là khả thi. (Ảnh: S.T) |
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng, đồng nghĩa với doanh nghiệp trong nước đang có nhiều thêm các đơn hàng xuất khẩu. Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu hàng hóa có triển vọng lập mốc lịch sử mới.
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - đánh giá, bình quân một tháng trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,29 tỷ USD, cao hơn 1,52 tỷ USD so với bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm 2024. Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong quý IV/2024 thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước lập mốc lịch sử khoảng 400 tỷ USD, vượt mốc 371,82 tỷ USD của năm 2022.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2023-2024 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành dệt may xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nước ta 9 tháng qua tăng khá, chủ yếu là do đơn hàng của một số nước đang chuyển dịch vào Việt Nam, không phải do nhu cầu thị trường toàn cầu tăng. Năm 2025, quan hệ căng thẳng giữa một số nước chưa hạ nhiệt sẽ là cơ hội cho xuất khẩu dệt may Việt Nam giữ được sự ổn định và phát triển tốt hơn.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), khủng hoảng chính trị tại Bangladesh – quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn của thế giới, sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngành may mặc Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là dịp để các nước có thế mạnh về ngành dệt may, trong đó có Việt Nam bù đắp nguồn cung cho thị trường thế giới.
Dù bức tranh xuất khẩu khá sáng, tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường cũng cho rằng, các doanh nghiệp vẫn cần cẩn trọng, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu vẫn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trong suốt 30 tháng trở lại đây.
Trong khi đó, với thủy sản, sẽ còn cần nhiều thời gian để khôi phục sản xuất tại phía Bắc do ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 nên ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị trong quý IV, hầu hết thị trường nhập khẩu đang gia tăng tiêu chuẩn khắt khe nên các doanh nghiệp cần tập trung vào những chứng nhận bền vững để có thể tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh.
Trong bức tranh xuất khẩu quý cuối cùng của năm có cả thuận lợi và khó khăn đan xen, để đạt được kết quả xuất khẩu khả quan nhất trong những tháng còn lại, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như: CPTPP, EVFTA, RCEP… nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhận định: Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nếu các doanh nghiệp có sự nỗ lực cố gắng từ nay đến cuối năm, thì trong cả năm 2024 khả năng Việt Nam sẽ chạm mốc 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022. |