Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc: Kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa 7 tháng, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm |
Tăng trưởng xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước ở mức cao
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế trong 7 tháng năm 2024, cho thấy sự phục hồi mạnh. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng tới 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 25,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 16,7%.
Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%.
Như vậy, bên cạnh kim ngạch xuất khẩu nói chung tăng trưởng đáng kể, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu khi có sự tăng trưởng ổn định, thậm chí cao hơn rất nhiều so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Xuất khẩu gạo là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hoá 7 tháng đầu năm 2024 (Ảnh: Cấn Dũng) |
Lý do là do các doanh nghiệp tại khu vực kinh tế trong nước chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề như xuất khẩu nông sản, dệt may, da giày… Trong khi đó, đây đều là những lĩnh vực có nhiều khởi sắc trong 7 tháng qua.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản ước đạt 21,4 tỷ USD sau 7 tháng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: Cà phê tăng 30,9%; gạo tăng 25,1%; chè các loại tăng 34,8%; rau quả tăng 24,3%; nhân điều tăng 22,1%; hạt tiêu tăng 46,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 12,5%...
Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%; sắt thép các loại tăng 9,8%; hàng dệt và may mặc tăng 4,3%; giầy dép các loại tăng 10,1%...
Đối với các đơn hàng dệt may, sau 2 năm gặp vô vàn khó khăn, hiện nay, đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, hiện hầu hết doanh nghiệp ngành may thuộc tập đoàn đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp cuối năm và Tết. Tập đoàn đang đặt mục tiêu về đích năm 2024 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.900 tỷ đồng, bằng 101,63% so với năm 2023; lợi nhuận hợp nhất đạt 550 tỷ đồng, bằng 102,13% so với năm 2023
Đối với mặt hàng rau quả, thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Mức độ tăng trưởng của xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm nay cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong cơ cấu xuất khẩu, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm tới 80% kim ngạch; 20% còn lại đến từ châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Đông. Hai quốc gia khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc với 164 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ.
Đối diện và vượt qua thách thức
Dù xuất nhập khẩu khởi sắc song các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử, với ngành dệt may, doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn. Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn.
Ở các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 7 diễn ra mới đây, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nhiều nước đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại với mặt hàng dệt may. Do vậy, doanh nghiệp cần sự chia sẻ thông tin và cảnh báo để từ đó giúp doanh nghiệp có giải pháp ứng phó.
Hoặc đối với mặt hàng rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, chất lượng rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp đến là vấn đề tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được, mà cốt lõi là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ khi thị trường biến động.
Ngoài ra, chất lượng liên quan đến khâu sản xuất (từ vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói) làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra trường hợp vi phạm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là khâu thu hoạch sản phẩm, tránh để xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán. Ngoài ra, về hiệu quả của các FTA đã ký, dù đã có sự cải thiện giúp DN thu được lợi nhuận nhưng chưa đạt được kỳ vọng.
Năm 2024, Bộ Công Thương dự báo tăng trưởng xuất khẩu có thể vượt mục tiêu 6% đặt ra... Để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu nói chung, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá.