Cơ hội xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ qua nền tảng trực tuyến Hạt điều Việt Nam tăng thị phần tại thị trường Nga Xuất khẩu nông thủy sản sang Nga: Chủ động tiếp cận |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Liên bang Nga đạt 1,88 tỷ USD giảm 15,8% (6 tháng đầu năm 2023 giảm 20,9%) so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 37,8% so với năm 2021.
Xuất khẩu sản phẩm gốm sứ sang thị trường Nga tăng trưởng 3 con số |
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga hồi phục khá nhanh. Nếu như xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga trong quý I/2023 giảm 32% thì 7 tháng năm 2023 đạt mức giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 931,1 triệu USD.
Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Liên bang Nga quý I/2023 giảm 49,2% đến 7 tháng năm 2023 đạt mức giảm 25,2% đạt 950,8 triệu USD. Thâm hụt thương mại tính đến hết tháng 7/2023 là 19,7 triệu USD.
7 tháng đầu năm 2023, một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam có tăng trưởng đáng kể so với 7 tháng đầu năm 2021 - thời điểm trước khi xảy ra xung đột quân sự Nga – Ukraine. Cụ thể, xuất khẩu cà phê tăng 58,1%; xuất khẩu gạo tăng 263,1%; xuất khẩu cao su tăng 31,5%; xuất khẩu sản phẩm từ cao su tăng 107,8%.
So với 7 tháng đầu năm 2022, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như sản phẩm từ cao su tăng 383,9%; sản phẩm gốm, sứ tăng 225,4%; bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc tăng 59,2%. Một số mặt hàng có dấu hiệu phục hồi xuất khẩu như hạt điều tăng 19,6%; túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù tăng 49,1%; hàng dệt may tăng 79,7%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga 7 tháng năm 2023 |
Theo số liệu ngày 4/8 của Ngân hàng Thế giới (WB), với tổng GDP đạt 5.510 tỷ USD, Liên bang Nga là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới tính theo ngang sức mua, đứng sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật. WB cũng dự báo kinh tế Nga tiếp tục giữ vị trí này vào năm 2030.
Theo các đánh giá mới nhất của Liên bang Nga, kinh tế Nga có thể đạt mức tăng trưởng 2 - 2,5% trong năm 2023, sau khi giảm 2,1% năm 2022.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, hiện nay, sau gần 7 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU FTA), thuế nhập khẩu đối với phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của hai bên đã giảm về 0% hoặc ở mức rất thấp là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Nga tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trên thị trường của nhau.
Các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam với thế mạnh về hàng may mặc, giày dép, nông sản, hàng tiêu dùng, điện tử gia dụng tăng xuất khẩu, đầu tư sang Nga. Các doanh nghiệp có hợp tác với Nga nên nghiên cứu kỹ, xem xét tăng cường, đầu tư, thành lập doanh nghiệp tại Nga để tổ chức sản xuất - tiêu thụ các mặt hàng may mặc, giày dép, nông sản chế biến, hàng tiêu dùng tại Nga, tận dụng tốt hơn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á Âu.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu từ Nga các mặt hàng nguyên, nhiên liệu… phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Hiện nay, Liên bang Nga và Việt Nam đã nới lỏng các quy định về visa cho công dân của nhau. Từ 1/8/2023 công dân Việt Nam đã có thể xin visa điện tử để vào Nga, từ 15/8 người Nga có thể lưu trú tại Việt Nam đến 45 ngày miễn visa.
Bên cạnh những thuận lợi, theo Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, hai nước vẫn chủ yếu sử dụng USD, Euro trong thanh toán trong xuất nhập khẩu, chưa sử dụng các ngoại tệ mạnh khác. Trong khi đó các ngân hàng Việt Nam rất quan ngại khi làm việc với các ngân hàng Nga do sợ bị trừng phạt thứ cấp bởi phương Tây, đặc biệt là đối với việc thanh toán cho hàng nhập khẩu từ Nga.
Khoảng cách địa lý giữa hai bên tương đối xa, các tuyến đường vận tải biển chủ yếu từ Việt Nam sang Nga, gặp nhiều khó khăn do cấm vận của phương tây sau khi xảy ra xung đột với Ukraine tác động tiêu cực tới vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Công suất tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế qua Trung Quốc, Mông Cổ sang các nước EAEU FTA còn thấp, đồng thời phụ thuộc vào nước thứ 3 nên hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, việc hai bên chưa nối lại đường bay thẳng trực tiếp Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng hạn chế việc đi lại, giao thương, du lịch, vận tải… giữa hai nước, qua đó cản trở phát triển hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư song phương.
Theo kế hoạch, dự kiến từ 12 - 15/10/2023 Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga sẽ tổ chức Tuần Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Hà Nội - Matxcơva. Sự kiện sẽ bao gồm các hoạt động trưng bày quảng bá giới thiệu hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam (khoảng 30 gian hàng), hội thảo kết nối giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Nga. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, xúc tiến thương mại hàng hóa tại thị trường này.
Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cũng đề nghị các Bộ, ngành khuyến khích/hỗ trợ các địa phương/hiệp hội/doanh nghiệp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại (khoảng 10 - 15 doanh nghiệp) tham dự các triển lãm chuyên ngành cụ thể như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè,… tại Liên bang Nga trong năm 2023 - 2024.