Tận dụng tốt các cơ hội về thị trường khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ Giải pháp nào cho ngành gỗ Việt tăng tốc và bứt phá sau đại dịch |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2020 đạt 946,9 triệu USD, tăng 15,6% so với tháng 6/2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 769 triệu USD, tăng 29,8% so với tháng 6/2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2020 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,04 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,61 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trở lại trong tháng 6/2020 |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, trong tháng 6/2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trở lại khi dịch Covid-19 đang tạm lắng xuống tại một số thị trường xuất khẩu chính như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Australia… Cụ thể: Hoa Kỳ đạt 590,9 triệu USD, tăng 43,1% so với tháng 6/2019; Trung Quốc đạt 88,3 triệu USD, tăng 15,6%; Canada đạt 18,8 triệu USD, tăng 19,5%; Australia đạt 15,3 triệu USD, tăng 28,8%.
Trong đó, đáng chú ý là thị trường EU, nhờ sự hỗ trợ của các gói kích thích mạnh tay của các nhà hoạch định chính sách khu vực, cộng với việc hầu hết các nước thuộc EU đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19, giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tại thị trường EU sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Theo Cơ quan thống kê châu Âu, tháng 5/2020, doanh số bán lẻ tại eurozone đã tăng 17,8% so với tháng 4/2020, do người dân mua đồ nội thất, quần áo và thiết bị máy tính. Tiêu dùng rất quan trọng với việc phục hồi kinh tế của EU, đóng góp hơn nửa GDP khu vực này.
Trong khối EU 27, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 8,5 triệu USD trong tháng 6/2020, tăng 86,7% so với tháng 6/2019. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều thị trường đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 11 cho Đức trong 3 tháng đầu năm 2020, đạt 9,6 nghìn tấn, trị giá 34 triệu Euro (tương đương 38 triệu USD), giảm 6% về lượng, nhưng tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,2% tổng lượng nhập khẩu, nên Việt Nam vẫn có cơ hội tăng thị phần tại Đức.
Hiện tại, nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo Văn phòng Thống kê Đức, sản xuất công nghiệp của Đức đã hồi phục trong tháng 5/2020, tăng 7,8% so với tháng trước sau khi giảm 17,5% trong tháng 4/2020. Cộng thêm việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 tới và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đang chờ phê chuẩn, việc hợp tác tại Việt Nam của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức và EU sẽ ngày càng có nhiều triển vọng.