Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tăng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc Xuất khẩu gạo khởi sắc: Bộ Công Thương khẳng định vai trò điều hành linh hoạt, kịp thời |
Cụ thể, nửa đầu tháng này (1-15/11), cả nước xuất khẩu 332.214 tấn gạo, kim ngạch đạt 219 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,15 tỷ USD. Con số này đã vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).
Xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc |
Về thị trường (cập nhật hết tháng 10), khu vực ASEAN (chủ yếu là Philippines, Indonesia, Singapore) và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 4,2 triệu tấn, tăng 25,7%; sang thị trường Trung Quốc đạt 884 nghìn tấn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng lượng gạo xuất sang 2 thị trường nêu trên đạt gần 5,1 triệu tấn, chiếm 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.
Về giá gạo xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 21/11, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh tăng 10 USD, lên mức 663 USD/tấn. Như vậy, sau nửa tháng “đứng yên”, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bất ngờ điều chỉnh tăng mạnh.
Thời gian qua, việc giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao đã giúp xuất khẩu gạo đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.
Cụ thể, triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, ngày 15/8/2023, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thúc đẩy công tác thông tin, tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu gạo, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đồng thời đảm bảo duy trì dự trữ lưu thông, bình ổn thị trường nội địa, kịp thời đề xuất các giải pháp và báo cáo Bộ Công Thương.
Tại Trung Quốc, Đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo Việt Nam tại thị trường này do ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu là Trưởng đoàn cùng các thành viên là các cán bộ Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và sự tham gia của 19 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đã hoàn thành chương trình làm việc tại thành phố Bắc Kinh từ ngày 29/10/2023 – 31/10/2023.
Để củng cố và phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước nói chung và thương mại gạo Việt Nam – Trung Quốc nói riêng, đặc biệt đối với khu vực thị trường phía Bắc Trung Quốc, Đoàn công tác đã đề xuất và đạt được sự ủng hộ từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nông sản, lương thực, đặc biệt là doanh nghiệp gạo Trung Quốc về việc tăng cường hỗ trợ giao thương, thiết lập các kênh trao đổi thông tin, phối hợp kịp thời trong giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp hai nước, tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, xem xét ký kết các biên bản ghi nhớ về thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại giữa hai nước. Hỗ trợ đưa sản phẩm gạo Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ truyền thống, các kênh thương mại điện tử của Trung Quốc trong thời gian tới.
Từ nay đến cuối năm, VFA cho biết do các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi đó quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến năm 2024. Đây là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác.
Với những tín hiệu tích cực gần đây, xuất khẩu gạo trong năm 2023 nhiều khả năng đạt và vượt con số 7,5-8 triệu tấn, kim ngạch 4,5 tỷ USD.