Dù chưa có số liệu cụ thể song theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong 2 tuần trở lại đây các đơn hàng xuất khẩu của họ đang tăng lên. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, gần đây hai thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đang đẩy mạnh thu mua sau khi thu hoạch mùa vụ và cân đối sản lượng của họ.
“Việc này đang tác động tích cực tới xuất khẩu gạo nói chung của Việt Nam, riêng công ty chúng tôi dù chỉ xuất khẩu gạo thơm Nhật sang Philippines song tín hiệu thị trường tại đây rất khả quan khi nhà nhập khẩu đặt hàng tăng lên rõ rệt”- ông Có nói.
Nhiều doanh nghiệp đang tăng thu mua lúa gạo dự trữ để xuất khẩu theo hợp đồng |
Là một trong những doanh nghiệp có lượng gạo xuất khẩu đều đặn trong những ngày qua. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cho hay, hiện doanh nghiệp này đang tiếp tục thu mua và đóng gói cho đơn hàng 15.000 tấn gạo 100% tấm qua thị trường Hàn Quốc.
Ngoài thị trường Hàn Quốc, ông Bình cho biết việc xuất khẩu gạo sang EU cũng tiếp tục có nhiều triển vọng do tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, nếu như năm ngoái doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu khoảng 100 container gạo ST 24, 25… thì năm nay dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi. Về giá xuất khẩu, ông Bình cho biết với gạo ST 24 vẫn ở mức khoảng 1.000 USD/tấn.
Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV cho hay, gần đây các thị trường truyền thống của Phước Thành IV hỏi mua khá nhiều, tuy vậy thời điểm hiện tại giá xuất khẩu chưa thực sự tốt nên doanh nghiệp chưa vội ký kết đơn hàng mà chỉ đẩy mạnh tăng mua trong nước để dự trữ. Cũng theo ông Thành, gần đây xuất khẩu gạo tấm và phụ phẩm của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng, giúp công ty cũng như người dân bán phụ phẩm có giá tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề phụ phẩm xuất khẩu tăng, theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhu cầu gạo tấm từ Trung Quốc đang tăng cao bất thường trong những ngày gần đây. Một nguyên nhân quan trọng là do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngô và lúa mì. Giá 2 loại ngũ cốc này tăng vọt xuất phát từ căng thẳng gia tăng xung quanh khu vực Biển Đen trong những tuần gần đây.
“Khi một thị trường lớn như Trung Quốc tăng thu mua sẽ đẩy cầu ở mức cao và không chỉ phụ phẩm mà các loại gạo khác cũng sẽ được đẩy mạnh thu mua nhiều hơn. Dự kiến trong 2 tuần tới trở đi xuất khẩu gạo sẽ sôi động hơn và giá có thể tốt hơn”- ông Thành nói.
Việc xuất khẩu gạo bắt đầu nhộn nhịp hơn sau thời gian chững lại đang tác động tích cực tới thị trường lúa gạo trong nước. Theo bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An, giá thu mua tại ruộng với các loại lúa ST24, ST25, Đài thơm 8 và phụ phẩm như cám hiện đều tăng ít nhất 400 đồng/kg so với cuối tháng 2/2022. Không chỉ giá nội địa mà ngay cả giá xuất khẩu gạo đồ các loại của Việt Nam cũng tăng trên 15 USD/tấn so với thời điểm ngay sau tết. Cụ thể, gạo đồ 5% tấm hiện được bán giá 418 USD/tấn, loại 25% tấm là 393 USD/tấn và 100% tấm ở mức 338 USD/tấn. Mức giá này so với năm ngoái vẫn còn thấp song có thể sẽ tăng thêm trong những ngày tới.
Mặc dù tín hiệu thị trường đang tốt lên song các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đứng trước bài toán chi phí đầu vào tăng cao họ đang ở thế khó và buộc phải tìm mọi cách để cân đối chi phí. Chẳng hạn chỉ với riêng phí hạ tầng cảng biển, ông Thành cho biết kể từ ngày 1/4 cứ mỗi container hàng từ Vĩnh Long lên mở tờ khai ở TP. Hồ Chí Minh sẽ phải mất thêm ít nhất 500.000 đồng, chưa kể cước tàu biển và cước container vẫn chưa hạ nhiệt, tạo áp lực quá lớn cho doanh nghiệp. “Chúng tôi đang chọn giải pháp đóng hàng vào container và dùng xà lan vận chuyển để tiết giảm khoảng 40% chi phí”- ông Thành chia sẻ.
Theo Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%). Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 539.200 tấn, tăng mạnh 110,7% về lượng, tăng 81,9% về kim ngạch; chiếm 55,3% trong tổng lượng và chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Trung Quốc đứng thứ 2 với trên 81.880 tấn, chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo. |