Xuất khẩu gạo nên tập trung vào các thị trường bền vững Hóa giải điểm nghẽn trong xuất khẩu gạo |
Ngày 30/6, tại thủ đô Tokyo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An mà công ty đã đưa thành công vào thị trường Nhật Bản.
Gạo Việt Nam ở siêu thị Nhật Bản |
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam có mặt tại thị trường Nhật Bản. Việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản."
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, cho biết công ty đã bắt đầu tập trung vào việc sản xuất gạo ở đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2017, với mô hình bao tiêu lúa canh tác trực tiếp từ nông dân. Ông Trung khẳng định: “Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân đã mang lại sản phẩm gạo sạch, đủ tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản. Điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm mà còn giúp tăng thu nhập cho người nông dân."
Bên cạnh thương hiệu gạo A An, thương hiệu “Cơm Việt Rice” cũng được Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang Châu Âu với đợt hàng gần 500 tấn gạo vừa được giao trong tháng 6.2022, vận chuyển bằng đường biển và sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7/2022.
Việc gạo Việt Nam xuất khẩu thành công sang Nhật Bản và châu Âu tiếp tục là một dấu ấn quan trọng, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu gạo Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu gạo đến hết ngày 15/6/2022 đạt khoảng 3,11 triệu tấn với trị giá 1,5 tỷ USD.
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm, giao dịch gạo đã có những biến động, tăng giảm tùy thời điểm. Nhu cầu tăng chủ yếu đối với gạo tẻ chất lượng cao và nếp trong 3 tháng đầu năm do các doanh nghiệp và người dân chuẩn bị nguồn cung phục vụ tiêu dùng các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Giá các loại gạo nếp nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước, một số loại gạo tẻ chất lượng có mức tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2021. Sau tháng 3, nguồn cung được bổ sung từ vụ Đông Xuân. Giá trị gạo xuất khẩu cũng không ngừng được tăng cao.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Để đạt được thành quả này, là cả quá trình nỗ lực phấn đấu của cả ngành lúa gạo và các doanh nghiệp.
Để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, các "anh cả" trong ngành lúa gạo như Tân Long, Lộc Trời, Dương Vũ, Trung An... đã bỏ không ít trí lực để nâng tầm chất lượng gạo Việt. Trong đó, Tân Long đã xác định liên kết cùng các Hợp tác xã tổ chức “Cánh đồng lớn - cánh đồng hạnh phúc”, xây dựng quy trình quản lý canh tác, sản xuất khép kín “từ cánh đồng đến bàn ăn”; sử dụng giống lúa thuần chủng từ kỹ sư Hồ Quang Cua - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp và là “cha đẻ” của gạo ngon nhất thế giới ST25 cũng như những loại gạo hàng đầu thế giới hiện nay như ST24, Japonica,…
Hiện nay, đối với hoạt động xuất khẩu, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao cộng với chi phí logistics chưa có dấu hiệu “ gạo hạ nhiệt” là những yếu tố tác động mạnh tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thị trường gạo xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Philippines (chiếm 45,9% tổng lượng và 43,6% giá trị gạo xuất khẩu cả nước (tương đương 1,27 triệu tấn và 589,81 triệu USD, tăng 34,6% về lượng và 17,5% giá trị). Tiếp theo là Indonesia, Trung Quốc và một số nước châu Phi.