Tại cuộc đối thoại hợp tác kinh tế giữa Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trước thềm EVFTA có hiệu lực, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - chia sẻ: Thương mại gỗ giữa Việt Nam và EU chiếm khoảng 12 - 15% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam với thế giới. Việt Nam đang xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU trị giá khoảng 650 - 700 triệu USD/năm, tập trung chủ yếu vào các nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italia... Trong đó, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của EU mỗi năm ước tính trị giá khoảng 80 - 85 tỷ USD.
Cơ hội cho ngành gỗ mở rộng thị phần và bứt phá xuất khẩu vào thị trường EU rất lớn, bởi hiện nay, mức thuế suất cơ bản EU đang áp lên gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ 2 - 10% (gỗ), 2,7 - 5,6% (sản phẩm gỗ). Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ ngay 83% số dòng thuế đối với gỗ và sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam, khoảng 17% số dòng thuế đối với gỗ còn lại cũng sẽ xóa bỏ theo lộ trình từ 3 - 7 năm. Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam còn được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc từ EU để phục vụ sản xuất.
Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp ngành gỗ là cần thực thi tốt các quy định VPA/FLEGT nhằm đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và xác minh được gỗ khai thác hợp pháp theo yêu cầu của EU; chống gian lận thương mại và các hành vi lợi dụng xuất xứ hàng hóa để trục lợi... Chất lượng sản phẩm, mẫu mã, tính an toàn, quy trình sản xuất, khả năng cung cấp nguồn hàng ổn định cho đối tác… là những yếu tố quan trọng tạo nên sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ và đồ gỗ Việt Nam.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký HAWA: Hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ cần có các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về cơ hội của EVFTA để có kế hoạch khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa đào tạo, cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường; tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam với các đối tác, nhà mua hàng từ châu Âu… |