Xuất khẩu cà phê tăng mạnh 158,3% Giá xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024? Giá xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung |
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 11/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Đức đạt 18,15 nghìn tấn, trị giá 48,55 triệu USD, tăng tới 1.590,1% về lượng và tăng 1.317,3% về trị giá so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 tăng 14,3% về lượng và tăng 46,9% về trị giá.
Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Đức vẫn giảm 12,9% về lượng và giảm 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 168,13 nghìn tấn, trị giá 383,72 triệu USD.
Tháng 11/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Đức tăng cả về lượng và trị giá. Ảnh minh họa |
Cũng theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, tháng 11/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Đức đạt mức 2.675 USD/tấn, giảm 16,1% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 28,5% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Đức đạt mức 2.282 USD/tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, cà phê chế biến và Arabica sang thị trường Đức. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm, xuất khẩu cà phê chế biến ổn định. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta sang thị trường Đức chiếm 92,54%; cà phê chế biến chiếm 3,88% và cà phê Arabica chiếm 3,58%.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), 10 tháng năm 2023, Đức nhập khẩu cà phê từ thị trường ngoại khối EU đạt 768,86 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 2,71 tỷ EUR (tương đương 2,96 tỷ USD), giảm 15,3% về lượng và giảm 25% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung cà phê ngoại khối cho Đức tập trung chủ yếu từ các thị trường: Brazil, Việt Nam, Honduras, Uganda, Colombia. Theo Eurostat, 10 tháng năm 2023, Đức giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, mức giảm 5,0% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt xấp xỉ 192,83 nghìn tấn, trị giá 426,43 triệu EUR (tương đương 464,38 triệu USD).
Mặc dù vậy, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức từ thị trường ngoại khối EU vẫn tăng từ 22,36% trong 10 tháng năm 2022, lên 25,08% trong 10 tháng năm 2023.
Theo các chuyên gia kinh tế, Đức đang là thị trường tiềm năng cho ngành cà phê Việt Nam. Bởi những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Đức từ Việt Nam luôn giữ ổn định, chiếm thị phần từ 18 đến 25% tổng lượng nhập khẩu cà phê của Đức. Chưa kể, người dân Đức sử dụng cà phê hàng ngày với 72,7% là uống tại nhà, 7,9% tại cơ quan, 5,2% tại nhà của bạn bè, người thân... Mỗi người Đức tiêu thụ 169 lít cà phê/năm, nhiều hơn cả bia Đức (90 lít/ năm).
Phân tích cụ thể dư địa xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Đức, Thương vụ Việt Nam tại Đức cho hay, cơ hội đưa hàng Việt Nam vào Đức còn cao. Người tiêu dùng Đức sẵn sàng sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh từ các quốc gia đang phát triển.
Bên cạnh đó, số người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đức ngày càng tăng trong những năm gần đây. Lượng người tiêu dùng này có xu hướng sử dụng nhiều các sản phẩm châu Á, trong đó có sản phẩm của Việt Nam.
“Người tiêu dùng của Đức cũng ngày một cởi mở hơn trong việc sử dụng các sản phẩm châu Á nói chung và từ Việt Nam nói riêng. Họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu sử dụng như: Đồ gỗ, may mặc, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới…”, Thương vụ Việt Nam tại Đức thông tin.