Đình chỉ hoặc không tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả thấp, chưa giải ngân
Sáng 29/6/2024, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 29/6 |
Theo đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát.
Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau: Về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư; khẩn trương thực hiện điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.
Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, chủ quản dự án, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025 và đình chỉ hoặc không tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả thấp, chưa giải ngân.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật; rà soát, bảo đảm tính đồng bộ giữa đầu tư các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, y tế cơ sở và hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tổng thể về kết quả triển khai chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các chính sách đặc thù trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 để rút ra những cách làm hiệu quả, sáng tạo trong tổ chức thực hiện hoặc đề xuất việc luật hóa những nội dung đã thực hiện có hiệu quả để sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật có liên quan.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương rút kinh nghiệm trong việc đề xuất các chính sách, bảo đảm khả năng giải ngân, đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đề ra để bảo đảm chính sách phát huy hiệu quả, hiệu lực kịp thời, tránh lãng phí nguồn lực.
Các địa phương tiếp tục chủ động, bám sát chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, thành phố; tiếp tục quan tâm rà soát, có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng cường giám sát, ngăn chặn vi phạm trong triển khai các dự án
Về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội yêu cầu, về hoàn thiện chính sách, pháp luật, Chính phủ tập trung chỉ đạo rà soát các hạn chế, bất cập trong các chính sách, pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung như sau: Rà soát các cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu phí các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Rà soát, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Rà soát, hoàn thiện các quy định về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bổ sung quy định về chính sách bồi thường tại các khu vực giáp ranh thuộc địa giới hành chính hai tỉnh của hai dự án thành phần vận hành độc lập trong cùng một dự án.
Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khoáng sản, phân nhóm các loại khoáng sản theo hướng tách riêng nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản làm vật liệu san lấp để có quy định riêng về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đặc biệt đối với nhóm vật liệu san lấp và điều phối vật liệu tận dụng giữa các dự án nhằm đơn giản hoá trình tự, thủ tục; có giải pháp tháo gỡ tổng thể các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai các dự án chồng lấn với khu vực quy hoạch khoáng sản...
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ quản rà soát, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với: Các dự án dự kiến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật (Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1).
Nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn, cầu Bình Gởi thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh; xem xét đầu tư đường cất hạ cánh số 2, san lấp toàn bộ mặt bằng (thuộc giai đoạn 2) của Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Nghiên cứu sử dụng khối lượng đất chưa sử dụng của giai đoạn 2 từ khu vực quy hoạch nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành để phục vụ nhu cầu đất đắp nền cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Nghiên cứu cơ chế giao cho các cơ quan đầu mối của các dự án rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tăng hoặc giảm tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần của dự án đó, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được Quốc hội quyết định.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế; đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm đủ nguồn cung khai thác vật liệu xây dựng; đẩy nhanh tiến độ di dời các đường điện cao thế, cáp viễn thông; hướng dẫn việc xác định giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ khi giao cho các nhà thầu khai thác theo các cơ chế đặc thù;
Khẩn trương ban hành quy chuẩn, định mức sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; ban hành giá vật liệu xây dựng kịp thời, phù hợp với thực tế thị trường; quan tâm ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới thân thiện với môi trường trong thực hiện dự án, giảm tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, đời sống người dân tại khu vực có dự án đi qua.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền khẩn trương triển khai đầu tư hoàn thiện các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát, điều hành giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ khi các dự án cao tốc đưa vào khai thác;
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phương án tổ chức giao thông để nâng cao an toàn khai thác trên các tuyến đường cao tốc đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe và 4 làn xe (không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục); xây dựng kế hoạch nâng cấp mở rộng các dự án đã và đang đầu tư theo quy mô phân kỳ (2 làn xe, 4 làn xe) bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải theo từng thời kỳ và tầm nhìn dài hạn.
Các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư; tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; giải quyết kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân trong diện phải thu hồi đất.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất khu vực mỏ vật liệu, bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường do Nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ vật liệu.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn vi phạm trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khai thác, cung cấp nguyên vật liệu; đấu thầu, chỉ định thầu.