Không được tiếp tục chi "hoa hồng", cựu đại tá dọa: Anh muốn gì?
Sáng 13/7, Tòa án Quân sự quân khu 7 tiếp tục ngày thứ hai xét xử 14 bị can trong vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép và không tố giác tội phạm liên quan đường dây buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
Trước tòa, 12 người bị truy tố tội Nhận hối lộ, gồm 10 cán bộ cảnh sát biển, biên phòng, cảnh sát và người nhà, phần lớn đã thừa nhận hành vi. Song có cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, là người duy nhất “kêu oan".
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thế Anh bị truy tố tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
Tòa án Quân sự quân khu 7 tiếp tục phiên xử sáng 13/7 |
Khai tại tòa với tư cách nhân chứng, ông Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) nói, từ 10/2019 đến 1/2021 đã chi tiền hàng tháng cho bị cáo Nguyễn Thế Anh nhờ giúp đỡ hoạt động buôn lậu xăng dầu của Hữu và đồng phạm.
Theo cáo trạng, tháng 9/2019, ông Phan Thanh Hữu nhờ bị cáo Nguyễn Thế Anh, khi đó là Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng được biệt phái sang giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, giúp đỡ buôn lậu xăng dầu sang Campuchia để kiếm lời và được Nguyễn Thế Anh đồng ý.
Theo thỏa thuận mỗi tháng ông Hữu sẽ chi cho bị cáo Nguyễn Thế Anh số tiền 30.000 USD và 100 triệu đồng. Từ tháng 10/2019 - 2/2020, ông Hữu đã chi cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh 150.000 USD và 500 triệu đồng.
Đến đầu năm 2020, ông Hữu và đồng phạm có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên hẹn gặp bị cáo Nguyễn Thế Anh tại khách sạn REX, TP.Hồ Chí Minh.
Tại cuộc gặp, bị cáo Nguyễn Thế Anh yêu cầu ông Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền hằng tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng.
Ông Hữu chấp nhận chi hối lộ cho bị cáo Nguyễn Thế Anh từ tháng 3/2020 – 8/2020, tổng cộng 360.000 USD và 5,7 tỉ đồng.
Đến tháng 8/2020, ông Hữu biết bị cáo Nguyễn Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên từ tháng 9/2020 – 1/2021, mỗi tháng chỉ chi cho Nguyễn Thế Anh 10.000 USD.
Trả lời câu hỏi vì sao khi biết bị cáo Nguyễn Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, không còn liên quan đến hoạt động buôn lậu của mình nữa, nhưng vẫn chi tiền cho Nguyễn Thế Anh.
Ông Hữu khai: Khi biết Nguyễn Thế Anh chuyển công tác thì cắt tiền chi hàng tháng nhưng bị cáo Anh đã gọi điện để dọa.
"Thế Anh gọi cho tôi nói: Anh muốn gì? Thế Anh dọa tôi như vậy nên tôi phải tiếp tục chi tiền", ông Hữu khai.
Ông Phan Thanh Hữu tham dự với vai trò là nhân chứng vụ án |
Ông trùm đường dây buôn lậu, làm giả xăng dầu Phan Thanh Hữu khẳng định việc chi hối lộ hàng tháng cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh là có thỏa thuận trực tiếp giữa hai người.
Một mực kêu oan, cho rằng bị ép cung
Phản bác lại lời khai của “ông trùm” Phan Thanh Hữu, tại phiên tòa, trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Thế Anh khẳng định: "Không có thỏa thuận gì và cũng không nhận tiền hối lộ hối lộ nào từ Hữu thông qua An".
Cựu đại tá cũng khẳng định không nhờ em con chú ruột của mình là Nguyễn Văn An (33 tuổi, trú tại TP.Hồ Chí Minh) nhận tiền từ Hữu và chuyển cho mình.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh một mực kêu oan, cho rằng mình bị ép cung và bản tự khai của bị cáo là do điều tra viên đọc cho chép. Bị cáo nói: “Tôi bị ép buộc, họ viết sẵn cho tôi tâm thư và nội dung bản tự khai”.
Trước lời khai này của ông Thế Anh, Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo khai mà không có chứng cứ, Hội đồng xét xử không có căn cứ để xem xét.
Trả lời về việc doạ dẫm ông Hữu khi không được tiếp tục chi tiền, Nguyễn Thế Anh cho rằng, với vị trí Phó chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và được biệt phái từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sang, bị cáo được giao phụ trách địa bàn khác mà không liên quan đến địa bàn buôn lậu của Phan Thanh Hữu.
Bị cáo Thế Anh khẳng định, không có số điện thoại nên không gọi điện dọa nạt gì ông Phan Thanh Hữu.
Đồng thời, bị cáo lập luận: "Không biết địa bàn buôn lậu của của Phan Thanh Hữu và chức năng nhiệm vụ của Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng không có việc bắt giữ buôn lậu mà chỉ có tổng hợp tình hình buôn lậu trên địa bàn được phân công”.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh đối chất tại toà |
Đối với cáo buộc tổ chức đưa An sang Lào trái phép sau khi Hữu bị bắt, ông Thế Anh khai: "Việc An sang Lào tôi hoàn toàn không biết và không giúp An. An đi đâu, làm gì, tôi không biết”.
Ông Hữu, được triệu tập với tư cách người làm chứng, khẳng định, có đưa tiền hối lộ cho ông Thế Anh thông qua An.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn An cũng cho rằng bị ép cung, chứ không nhận hối lộ thay cho bị cáo Nguyễn Thế Anh.
Đồng thời, bị cáo Nguyễn Văn An thừa nhận có nhận tiền từ Phan Thanh Hữu, bao nhiêu lần thì không nhớ chính xác nhưng tổng số khoảng 900 triệu đồng. Dù vậy, An khai số tiền này được Hữu nói là "tiền bồi dưỡng" với mục đích thông qua An để tiếp cận Nguyễn Thế Anh.
Trước tình thế Nguyễn Thế Anh chối tội, Viện kiểm sát công bố các bút lục về lịch sử, thời gian địa điểm các cuộc điện thoại dày đặc giữa hai người trong giai đoạn xảy ra sai phạm. Ông Thế Anh phản đối cho rằng: "Chứng cứ được thu thập là sai".
Theo nội dung công bố, ông Hữu thừa nhận các số điện thoại trên do mình, dùng để liên lạc với ông Thế Anh và An khi đưa hối lộ hằng tháng. Ông Hữu khẳng định: "Tôi không vu oan cho ai bao giờ".
Theo cáo trạng, tổng số tiền bị cáo Nguyễn Thế Anh nhận hối lộ từ ông Phan Thanh Hữu từ 10/2019 – 1/2021 để giúp đỡ cho hành động buôn lậu là 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng.
Phiên xét xử sẽ tiếp tục phần xét hỏi trong chiều nay.