Từ ngày 12 đến ngày 14/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên toà xét xử 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm liên quan nhiều cựu sĩ quan cảnh sát biển, bộ đội biên phòng liên quan đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng do Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh cầm đầu.
Trong đó có cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh – cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Vợ của cựu sĩ quan cấp tướng này cũng được xác định trực tiếp nhận tiền từ trùm buôn lậu giúp chồng.
Phiên toà xét xử 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài |
Theo cáo trạng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, Phan Thanh Hữu cùng Đào Ngọc Viễn (SN 1968, tại TP.Hồ Chí Minh), Phùng Danh Thoại – cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và một số cá nhân góp vốn gần 54 tỷ đồng để buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm của Hữu đã vận chuyển gần 200 triệu lít xăng lậu trị giá gần 2.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, để có thể buôn lậu xăng dầu số lượng lớn trong thời gian dài mà không bị kiểm tra, bắt giữ, Phan Thanh Hữu phải chi hối lộ hàng tháng cho cán bộ trong các lực lượng hải quan, cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông.
Toàn bộ số tiền chi hối lộ được lấy từ nguồn tiền mà các đối tượng đã thực hiện việc buôn lậu xăng này. Trong đó, cáo trạng cho rằng, cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh đã nhận 6,9 tỷ đồng hối lộ của Hữu.
Cụ thể, năm 2019, Phan Thanh Hữu biết Lê Văn Minh là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang nên Hữu liên hệ nhờ ông Minh giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng và được ông Minh đồng ý.
Mỗi khi nhập lậu xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam, Hữu liên lạc báo cho ông Minh biết để giúp đỡ, bảo kê cho các tàu chở hàng lậu không bị kiểm tra, bắt giữ. Đổi lại, hàng tháng, Hữu chi tiền hối lộ cho ông Minh.
Trong các ngày 16/12/2019 và 10/1/2020, Hữu đã nhờ Phan Lê Hoàng Anh (con trai Hữu) chuyển vào tài khoản của vợ ông Minh là bà Trần Thị Liên tổng số tiền 750 triệu đồng.
Tháng 2/2020, Hữu tiếp tục thông qua con trai để trực tiếp đưa 450 triệu đồng cho bà Liên. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, Hữu còn trực tiếp đưa tiền cho ông Minh mỗi tháng 450 triệu đồng ở nhiều địa điểm tại TP.Hồ Chí Minh.
Cũng trong tháng 8/2020, ông Minh cần tiền nên hỏi ứng trước của Hữu. Sau khi ông Minh nhắn số tài khoản của con gái là Lê Diệu Linh, Hữu đã chuyển khoản 500 triệu đồng.
Từ tháng 9/2020, đường dây của Hữu tăng thêm một tàu chở xăng dầu lậu nên Hữu đã tăng mức hối lộ chi cho ông Minh lên 500 triệu đồng mỗi tháng.
Theo cáo trạng, từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2021, cựu Tư lệnh Lê Văn Minh đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng.
Đối với bà Trần Thị Liên, theo Viện Kiểm sát, trong quá trình điều tra, bà Liên mới nhận thức được đây là tiền hối lộ. Do đó, Viện Kiểm sát đánh giá hành vi của bà Liên có dấu hiệu của tội “nhận hối lộ hoặc lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” nhưng xét ý thức, động cơ, tính chất mức độ thấy không cần thiết phải xử lý hình sự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, ông Lê Văn Minh bị cáo buộc “vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đã trực tiếp hoặc thông qua vợ con, nhận của “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh).
Phan Thanh Hữu đưa tiền cho ông Lê Văn Minh để được "tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê" cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng trên biển vào nội địa mà không bị bắt giữ, xử lý.
Hành vi của Lê Văn Minh đã đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đến nay, ông Lê Văn Minh đã khắc phục toàn bộ 7,1 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, đây là vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép và không tố giác tội phạm xảy ra trong khoảng thời gian từ 9/2019 đến tháng 2/2021 tại một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi phạm tội của các bị can vì động cơ vụ lợi cá nhân đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền của các đối tượng buôn lậu hoặc góp tiền vốn buôn lại phát hiện nhưng không tố giác tội phạm đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự quản lý hành chính, sự đúng đắn trong hoạt động phòng chống buôn lậu của cơ quan Nhà nước; gây mất trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của quân đội và lực lượng thi hành công vụ.