Hiệp định EVFTA: “Đòn bẩy” xuất khẩu nông sản sang thị trường Bắc Âu Hiệp định EVFTA, cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam |
Trong báo cáo thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022, Bộ Công Thương đã kiến nghị giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng liên quan chủ động xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA. Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương trao đổi vấn đề này với Báo Công Thương.
Hệ sinh thái tận dụng EVFTA trước mắt tập trung từng ngành hàng chủ lực của từng địa phương. Ảnh: TTXVN |
Đến nay, bà có đánh giá gì về mức độ quan tâm Hiệp định EVFTA của địa phương đã tác động như thế nào đến việc tận dụng FTA này của doanh nghiệp?
Theo tính toán số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2021. Về phía địa phương, trong số các tỉnh thành có báo cáo số liệu xuất nhập khẩu, có 49/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước EVFTA, tăng 11 tỉnh so với năm 2021. Địa phương có trao đổi thương mại với các nước EVFTA lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nội.
Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch trao đổi giữa Việt Nam và EU đạt 48,6 tỷ USD, giảm 7,41% so với cùng kỳ 2022, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 36,3 tỷ USD, giảm 8,74% so với cùng kỳ 2022; nhập khẩu đạt 12,3 tỷ USD, giảm 3,28% so với cùng kỳ 2022. Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU đạt 23,96 tỷ USD, giảm 11,32% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 12,5% và 4,6%.
Việc tận dụng FTA của các doanh nghiệp Việt Nam chịu sự tác động của nhiều nhân tố và chủ thể. Xét về các chủ thể tham gia vào quá trình tận dụng FTA của doanh nghiệp, có 3 nhóm chủ thể: Nhóm 1, Chính phủ các nước FTA và các cơ quan cấp trung ương; Nhóm 2, các cơ quan quản lý cấp địa phương; Nhóm 3, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
Trong đó, mỗi chủ thể trong quá trình tận dụng FTA đều có những vai trò nhất định. Xét về vai trò của các cơ quan quản lý cấp địa phương, đây là một chủ thể vô cùng quan trọng trong quá trình tận dụng FTA, bởi hiện nay, tất cả (từ cơ quan quản lý trung ương, địa phương và doanh nghiệp) đều nhận thức được cơ hội và dư địa tận dụng FTA như EVFTA là còn rất lớn.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa tư duy định vị vào các thị trường FTA, tăng cường giá trị gia tăng hướng tới làm thương hiệu thì việc tăng cường hỗ trợ các nhu cầu của doanh nghiệp tại từng địa phương như nhu cầu về đất đai, tín dụng, công nghệ, nhân lực… phụ thuộc rất lớn vào các chính sách, quy định và chương trình hỗ trợ tại từng địa phương.
Đối với các địa phương có định hướng rõ ràng về ngành hàng và thị trường trọng điểm cho các doanh nghiệp trên địa bàn của mình thì chương trình tuyên truyền sẽ sâu hơn, trọng tâm hơn, các chính sách hỗ trợ sẽ cụ thể hơn và việc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn sẽ quyết liệt hơn, kịp thời hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương – Phó trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương |
Đến nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định EVFTA còn ở mức khiêm tốn (26%), một trong các nguyên nhân do sự liên kết để gia tăng chuỗi giá trị còn hạn chế. Quan điểm của bà về thực tế này?
Thực tế, EVFTA là hiệp định đang có tỷ lệ tận dụng ưu đãi khả quan nhất so với các hiệp định khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hạn chế này, trong đó có từ phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực vẫn được triển khai tại địa phương nhưng phần lớn các hoạt động chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận thị trường FTA.
Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tại các địa phương còn dàn trải, không tập trung vào các ngành và các lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Thêm vào đó, các hoạt động triển khai chưa có tính liên tục, kết nối và lâu dài để tạo hiệu ứng và hiệu quả bền vững. Đơn cử, phần lớn tỉnh, thành dù tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu cơ hội về các FTA nhưng không có các hoạt động tiếp theo để triển khai kết quả các sự kiện này.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin cũng như kết nối thương mại tại các thị trường FTA, trong đó có EVFTA dù được đẩy mạnh hơn sau khi có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp. Do nguồn kinh phí và nhân lực còn hạn chế, nên các cơ quan quản lý và doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thúc đẩy hơn nữa hoạt động này.
Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh sức mua toàn cầu sụt giảm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu và yếu về vốn, công nghệ và năng lực thì sức chống chịu lại càng yếu ớt. Ngoài nguyên nhân khách quan của bối cảnh kinh tế, chính trị, bản thân doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa nên tư duy và khả năng nghiên cứu thông tin thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, cam kết FTA và các giải pháp công nghệ để chuẩn bị cho các cơ hội FTA cũng như ứng phó với biến động thị trường còn khiêm tốn.
Từ thực tế đó, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy khai thác Hiệp định EVFTA, trong đó giải pháp về xây dựng hệ sinh thái. Xin bà cho biết thêm về giải pháp này?
Khái niệm hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA không phải là một khái niệm mới. Ở góc độ nhất định, chúng ta đã có chuỗi cung ứng theo ngành hàng, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn hay hệ sinh thái từng mảng, từng lĩnh vực. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại của tất cả các mô hình đó là tính kết nối, tính liên kết giữa tất cả các chủ thể có liên quan đồng bộ. Thậm chí, nếu có thì phạm vi và tầm ảnh hưởng của các liên kết này còn khiêm tốn.
Chính vì thế, trong báo cáo thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022, Bộ Công Thương đã kiến nghị giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng liên quan chủ động xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trước mắt tập trung vào một số mặt hàng chủ lực tại từng địa phương. Kiến nghị này cũng đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2023.
Để chuẩn bị cho quá trình xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA nói chung và EVFTA nói riêng trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm để trao đổi với các cơ quan quản lý của các địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp theo từng ngành hàng trọng điểm của từng địa phương để trao đổi hai chiều. Một mặt cập nhật các quy định và định hướng mới trong việc tận dụng FTA tại các thị trường FTA, mặt khác nhằm lắng nghe chia sẻ từ các doanh nghiệp, ngành hàng để góp phần xây dựng các ngành xuất khẩu chủ lực bền vững trên địa bàn từng địa phương nói riêng và liên kết giữa các địa phương có cùng ngành hàng đó.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi sâu với các chủ thể này để xây dựng, vận hành kế hoạch hệ sinh thái tận dụng FTA cho từng ngành hàng chủ lực của từng địa phương. Trên cơ sở kết quả tham vấn tích cực và chủ động với tất cả các chủ thể liên quan trong quá trình tận dụng FTA này để việc thực thi và giám sát thực thi kế hoạch hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA là khả thi và hiệu quả, trong đó sẽ xem xét, tính toán tới các kết quả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Xin cảm ơn bà!