Kiều bào khắp năm châu hân hoan đón Tết cổ truyền dân tộc Độc đáo Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh Độc đáo Lễ hội Mường Ca Da của đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa |
Mỗi dịp tết đến Xuân về, mỗi dân tộc ở những vùng miền đều có phong tục tập quán, đón Tết cổ truyền đặc trưng. Với dân tộc Thái, ngành Thái trắng huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, chiều 30 Tết không thể thiếu tục gội đầu (xá hô) với mong muốn gột rửa đi những điều xui xẻo trong năm cũ để đón giao thừa, cầu may cho năm mới.
Chị Poòng Thị Huyền, Bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: "Đối với người Thái chúng tôi, chiều 29 hoặc 30 tết không thể thiếu phong tục “xá hô” để gội bỏ những cái không may mắn của năm cũ để chào đón những điều may mắn trong năm mới, cầu mong mọi thứ đều thuận lợi”.
Ông Thùng Văn Hôm, Bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chia sẻ: "Xá hô là cho những cái hư, cái xấu ném xuống sông, xuống suối trôi đi chỗ khác để cho năm mới làm ăn phát lộc phát tài".
Năm nào cũng vậy, vào chiều 30 tết, sau khi hoàn tất việc sắm sửa, dọn dẹp, trang trí nhà cửa để cúng tổ tiên, đón giao thừa, bước sang năm mới thì còn một việc không thể thiếu đối với gia đình ông Thùng Văn Hôm, ở bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Cả gia đình cùng nhau xuống suối thực hiện nghi lễ gội đầu với mong muốn rũ bỏ di những cái xui xẻo, ốm đau, bệnh tật trong năm cũ, mong năm mới ai ai cũng khỏe mạnh, con cháu chăm ngoan, học giỏi.
Ông Thùng Văn Hôm, Bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chia sẻ: "Từ thủa xa xưa, các cụ truyền lại cứ năm hết tết đến, con cháu trong gia đình người Thái là ra suối để tắm đầu để bỏ di cái hư, cái hại của năm trước đấy".
Không chỉ gia đình ông Hôm, từ trưa ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, cộng đồng người Thái trắng ở xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ lại cùng nhau ra dòng suối Nậm Pồ để thực hiện nghi thức gội đầu. Tục gội đầu chiều 30 Tết của người Thái trắng đã có từ rất lâu đời và được duy trì đến nay, theo tiếng Thái gọi là “xá hô”.
Nước gội đầu được chuẩn bị sẵn và nấu bằng những hương liệu tự nhiên được lấy từ trong rừng. Phần nghi lễ được thực hiện theo từng gia đình hoặc theo dòng họ, Người trưởng họ, hoặc người có vai trò chính trong gia đình, Và người Thái ở đây quan niệm rằng: Tắm gội trên dòng suối sẽ gột rửa được những điều không may mắn trong năm cũ để chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Ông Lò Văn Phóng, Bản Nà Hỳ, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: "Qua một năm làm ăn có nhiều cái xui xẻo, gặp không ít khó khăn. Làm lễ áp hô (xá hô) để xua tan đi những cái xấu xa, không tốt và ốm đau”.
Mỗi dân tộc đều có nét văn hoá đặc trưng đón Tết cổ truyền riêng. Nhưng điều chung một 1 mong muốn là tạm biệt năm cũ, gác lại những bộn bề, xui xẻo, những điều không may mắn của năm cũ. Chào đón năm mới, cả gia đình, dòng họ bình an, công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt./.