Hội nghị Bộ trưởng CPTPP sẽ diễn ra tại New Zealand ngày 15-16/7 Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) |
Tại cuộc họp của Ủy ban Đàm phán thương mại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được tổ chức ngày 20/7 do Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala chủ trì, WTO đã đề nghị các thành viên tập trung cho cuộc họp của các quan chức cấp cao của chính phủ sẽ diễn ra vào tháng 10 tới với nội dung “thu hẹp các mục tiêu thực tế” nhằm gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 của WTO (MC13) vào đầu năm 2024.
Việc 2/3 số thành viên phê chuẩn Hiệp định Trợ cấp thủy sản là một lĩnh vực mà sự thúc đẩy chính trị cấp cao sẽ rất cần thiết trên con đường tiến tới MC13. Theo đó, các quan chức cấp cao của chính phủ từ tất cả các thành viên WTO sẽ được mời tới Geneva vào ngày 23-24/10 để thảo luận về “sự thúc đẩy chính trị cần thiết” và “giúp giải quyết các vấn đề cụ thể” nhằm thúc đẩy công việc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng MC13. Hội nghị MC13 dự kiến sẽ diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong tuần ngày 26/2/2024.
WTO nhấn mạnh rằng cuộc họp quan chức cấp cao sẽ tạo cơ hội để đánh giá quan điểm và xác định những thách thức, khoảng cách và cơ hội thực sự có thể thực hiện được đối với MC13. Các thành viên WTO cần nỗ lực gấp đôi để chính thức phê chuẩn Hiệp định trợ cấp nghề cá. Hai phần ba số thành viên WTO phải chính thức phê chuẩn Nghị định thư của Hiệp định để hiệp định có hiệu lực.
Sự thúc đẩy của Tổng giám đốc WTO được bắt đầu bằng các báo cáo cập nhật từ các chủ tọa đàm phán của WTO về trợ cấp thủy sản (Đại sứ Einar Gunnarsson của Iceland), thương mại và nông nghiệp (Đại sứ Alparslan Acarsoy của Thổ Nhĩ Kỳ), thương mại và phát triển (Đại sứ Kadra Hassan của Djibouti) và thương mại dịch vụ (Đại sứ Zhanar Aitzhan của Kazakhstan).
Hội nghị MC12 đã diễn ra tại Geneva từ ngày 12 - 17/6/2022 trong bối cảnh phục hồi mong manh sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine đang gây ra tổn thất nhân đạo và tác động nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu và những người dân dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Đồng thời, WTO đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong các chức năng cốt lõi của mình, đặc biệt là xung quanh hệ thống giải quyết tranh chấp.
Hai lần bị hoãn vì đại dịch, MC12 đã mang đến cơ hội quan trọng để các bộ trưởng hành động, hoàn thành những việc cần làm và đưa ra định hướng chính trị cần thiết để WTO có thể phản ứng nhanh hơn trước những thách thức mà tất cả các thành viên phải đối mặt.
Các thỏa thuận nổi bật ở Geneva tại MC12 sẽ nâng cao khả năng của tất cả các thành viên trong việc đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước - nguyện vọng về lương thực, sức khỏe, an ninh, công việc tốt hơn, mức sống cao hơn và môi trường bền vững trên đất liền, trong đại dương và trong bầu khí quyển. Vào thời điểm mà hệ thống đa phương đang trở nên mong mạnh thì WTO có thể là một phần của giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng chung toàn cầu.
Ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 15/6/2022, cuộc họp cấp Bộ trưởng MC12 đã được kéo dài thêm hai ngày để có thêm thời gian đàm phán và đạt được một loạt thỏa thuận vào ngày 17/6/2022. “Gói Geneva” bao gồm một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về trợ cấp thủy sản, phản ứng đa phương đối với Covid-19, cũng như các quyết định về an ninh lương thực và cải cách WTO.