Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao El Salvador Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia |
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các Hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia từ ngày 11-14/7.
Đại sứ Vũ Hồ - Quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam - cho biết, Hội nghị AMM-56 và các Hội nghị liên quan từ ngày 8-14/7 tại Jakarta, Indonesia là loạt hoạt động có quy mô lớn nhất hàng năm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Mục đích chính của các hội nghị này là kiểm điểm những thành quả đã đạt được trong nửa đầu năm và xây dựng định hướng cho hợp tác ASEAN trong phần thời gian còn lại của năm. Có thể thấy các hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng, vừa là cuộc tổng kết giữa năm lại là một bước đẩy mạnh các quyết tâm của ASEAN với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự AMM-56 |
Hợp tác ASEAN là tiến trình lâu dài, phức tạp vừa sâu, vừa rộng, có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành của các nước thành viên, cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài. Bởi vậy, các Hội nghị AMM luôn là “ngày hội của khu vực”, không chỉ là nơi trao đổi về hợp tác ASEAN mà còn là nơi giao lưu, kết nối giữa các nước với nhau.
"Trên cơ sở đó, AMM thành công sẽ là một đóng góp cho đối thoại và hợp tác trong khu vực, là tài sản chung của cả ASEAN" - Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh và thông tin, qua các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN đều có những sắc thái riêng, là nỗ lực của các thành viên dành cho Cộng đồng. Các ưu tiên, sáng kiến do Chủ tịch đề xuất, được Lãnh đạo thông qua cũng đều trở thành tài sản chung của Hiệp hội. Bởi vậy, triển khai thành công các ưu tiên sáng kiến trong năm là nhiệm vụ của thành viên.
Theo Đại sứ Hồ Vũ, riêng với ASEAN, đặc điểm nổi lên trong 2023, đang được Indonesia ráo riết triển khai, chính là một ASEAN đoàn kết hơn, năng động hơn và độc lập hơn. Bởi vậy, các sáng kiến đều hướng xây dựng một ASEAN ở vị trí trung tâm, ứng phó thành công với thách thức của thời đại, là động lực cho sự phát triển trong khu vực. Đúng như chủ đề của ASEAN 2023 “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của phát triển”.
Quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho rằng, trong bức tranh này, đoàn Việt Nam tham gia các Hội nghị với một tâm thế tự tin, tích cực, chủ động tham gia và đóng góp xây dựng, có trách nhiệm hướng tới củng cố đoàn kết, phát huy tinh thần tương trợ lẫn nhau, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh ASEAN thống nhất, là lực lượng chủ đạo trong các nỗ lực chung phấn đấu vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững trong khu vực.
Với các đối tác, Việt Nam trao đổi trên tinh thần hòa hiếu, lấy đối thoại làm căn bản, tránh đối đầu, giảm khác biệt, khuyến khích đối tác hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng. "Đương nhiên, đoàn Việt Nam vẫn sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích Cộng đồng, vững vàng với các nguyên tắc song linh hoạt trong các triển khai" - Quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam thông tin.
Theo thông tin tại họp báo ngày 7/7, bà Retno Marsudi - Ngoại trưởng Indonesia - quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2023, cho biết chuỗi hội nghị AMM-56 sẽ thảo luận về việc tăng cường thực thi các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN và các bộ quy tắc ứng xử như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) nhằm kiến tạo hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Chương trình nghị sự thứ hai của chuỗi hội nghị này là tiếp tục củng cố các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM), đồng thời bắt đầu tăng cường ngoại giao phòng ngừa với sự hồi sinh của các cơ chế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn rất quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Ba chương trình nghị sự tiếp theo bao gồm khuyến khích các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (NWS) ký kết Nghị định thư SEANWFZ; hoàn thiện Hướng dẫn nhằm đẩy nhanh hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); thảo luận về hợp tác cụ thể liên quan đến an ninh lương thực, cấu trúc y tế khu vực, hợp tác hàng hải và chuyển đổi năng lượng trong đó có phát triển hệ sinh thái xe điện.
Chương trình nghị sự thứ sáu là thiết lập Tầm nhìn Hàng hải ASEAN - một tài liệu rất chiến lược nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp và tránh trùng lặp trong hợp tác hàng hải giữa 12 cơ quan chuyên ngành của ASEAN và là tài liệu tham khảo cho các nước đối tác trong hợp tác hàng hải với ASEAN.
Bên cạnh đó, chuỗi hội nghị sắp tới sẽ thảo luận việc triển khai AOIP bằng cách lồng ghép hợp tác với các nước đối tác, thông qua việc tổ chức Diễn đàn Cơ sở Hạ tầng ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 9. "Nội dung chính cuối cùng là sự can dự lần đầu tiên của ASEAN với Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và Diễn đàn Các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) như một phần trong nỗ lực triển khai AOIP nhằm duy trì ổn định và hòa bình khu vực" - Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho hay.