Trước những thông tin dư luận quan tâm về một số vấn đề gây tranh cãi, cách hiểu khác nhau trong dự thảo Thông tư về hạ tầng thương mại, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.
Bán kính 500 m: Hướng dẫn chứ không bắt buộc, gây khó
Theo bà Lê Việt Nga, liên quan đến những nội dung trong dự thảo không khác nhiều so với Quyết định 1371 xuất phát từ thực tế, việc ban hành bất kỳ một quyết định mới nào cũng đều phải kế thừa, phát huy những cái đang làm tốt và chỉ bổ sung, sửa đổi những cái chưa thực hiện tốt.
“Cụ thể, khi đưa ra dự thảo chúng tôi đã gửi đến các địa phương, doanh nghiệp xin ý kiến song không thấy bất kể chuỗi hệ thống siêu thị hay trung tâm thương mại phản hồi là cần thay đổi nội dung trong dự thảo. Vì vậy trong dự thảo đến nay chưa cập nhật sửa đổi một số nội dung dư luận góp ý mấy ngày qua. Sự quan tâm của dư luận tới chính sách mới càng giúp việc xây dựng văn bản của chúng tôi hoàn thiện hơn. Đây là dấu hiệu tích cực mà chúng tôi rất trân trọng lắng nghe để từ đó phân tích, xử lý, tiếp thu mọi hạt nhân hợp lý trong những phản biện” - bà Lê Việt Nga cho biết.
Bà Lê Việt Nga thông tin: “Vừa qua, các địa phương chỉ kiến nghị bổ sung thêm tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet… do đây là những điểm mới hơn so với 10 năm trước. Đối với câu chuyện bán kính 500 m, chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục lấy ý kiến để sửa đổi theo hướng sửa đổi sao cho minh bạch, dễ hiểu nhất chứ không máy móc, bắt buộc hay gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thực tế kinh nghiệm trên thế giới có nước qui định phạm vi, khoảng cách như vậy để bảo đảm các cửa hàng tiện lợi thực sự tiện lợi, phục vụ người dân trong khu vực tốt hơn và không lãng phí nguồn lực đầu tư, không chồng chéo các cửa hàng giống như các cây xăng phải cách nhau bao nhiêu km. Các qui định hướng dẫn này cũng phù hợp với thông lệ thế giới, phù hợp với nhu cầu mua bán của cư dân ở các chung cư, khu đô thị, phù hợp với thực tế bố trí các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam hiện nay và đa số các chuỗi cửa hàng do nhà đầu tư nước ngoài thì ở nước họ cũng có qui định tương tự. Song tinh thần Thông tư mở hơn, chỉ hướng dẫn chứ không bắt buộc".
Bà Nga khẳng định: “Còn cơ quan nhà nước mong muốn thể hiện tiêu chí mang tính có lợi cho người tiêu dùng về mặt dễ dàng, tiện lợi cho việc tiếp cận bán kính gần, chỉ cần đi bộ đã tới rồi. Thứ hai, quy định này cũng rất mở cho các doanh nghiệp đầu tư loại hình này ở chỗ cho phép tiếp cận rất gần khu dân cư hoặc khu vực tập trung đông dân như trường học, bệnh viện... để phục vụ người dân tiếp cận hàng hóa sử dụng ngay trong ngày như thực phẩm ăn sẵn và một số dược phẩm không cần kê đơn hay sản phẩm khác mà họ cần dùng ngay trong ngày”.
Mở thêm, cho phép thêm chứ không hạn chế
Đối với việc quy định thêm rằng siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng. Quan điểm của chúng tôi, với dịch vụ tăng thêm thì lâu nay vẫn nằm trong Quyết định 1371 và nó cũng là hoạt động cho phép các siêu thị mở được hoạt động bên lề. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho siêu thị thu hút được người tiêu dùng. Nế
Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho siêu thị thu hút được người tiêu dùng. Nếu như Bộ Công Thương lại cấm những hoạt động này thì mới tạo hạn chế, trong khi đây chỉ là mở thêm cho phép thêm…để hoạt động hiệu quả hơn.
Một số nội dung mới là đề xuất của tổ soạn thảo, không thêm các “điều kiện kinh doanh”
Liên quan đến tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Đây là một cách bảo vệ người tiêu dùng nhưng cũng là cách hấp dẫn khách hàng cho doanh nghiệp bán lẻ, tạo ra điều kiện trong công trình xây dựng họ được phép sử dụng thêm công trình phụ trợ cho hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu của Tổ soạn thảo, đang lấy ý kiến Sở, ngành, địa phương và các chuyên gia trong ngành, sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Thông tư, rồi mới báo cáo lãnh đạo Bộ về việc xem xét, ban hành.
Chúng tôi xác định là cái nào ở cấp cao hơn thì phải đề xuất ban hành thành Nghị định trình Chính phủ. Còn ở Bộ Công Thương thì chỉ đề xuất ban hành những tiêu chí không bao gồm điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính và chỉ làm định hướng để các địa phương dựa vào đó xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội cho phần hạ tầng thương mại và đồng thời thực hiện chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Chính phủ phê duyệt năm ngoái tại Quyết định 1163 ngày 13/7/2021.
Theo đó, việc xây dựng thông tư góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh những hạ tầng thương mại theo định hướng hiện đại có siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…