Đáp ứng nhu cầu thiết yếu
Hiện nay, trên các tuyến phố lớn hay ngõ hẻm tại Nghệ An không khó để tìm ra một cửa hàng tiện lợi, thậm chí loại hình này còn xuất hiện với mật độ khá dày đặc. Tại Nghệ An hiện có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, góp phần rất lớn vào việc tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang ngày càng được ưa chuộng |
Trao đổi với phóng viên, chị Thanh Thuỷ, phường Vinh Tân - TP. Vinh (Nghệ An) cho biết, thay vì phải ra chợ khá xa tôi chỉ cần xuống dưới chân chung cư là đã có thể mua sắm hàng hóa thiết yếu tại cửa hàng tiện lợi. Thêm nhiều ưu điểm đó là người dân có thể tìm thấy ở đó hầu hết những vật dụng thiết yếu mình cần như gói muối, cân gạo hay chai nước giặt..., với giá không chênh lệch nhiều, thậm chí còn rẻ hơn, lại tiết kiệm thời gian.
"Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi thường hoạt động từ khá sớm và kết thúc muộn cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh khi người dân có thể mua hàng bất cứ lúc nào khi cần thiết. Đối với các bạn trẻ, như con tôi, thích thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua sử dụng mã QR, thẻ ATM, chuyển khoản… cũng là điểm cộng khiến cửa hàng tiện lợi được ưa chuộng hơn", chị Thuỷ cho biết thêm.
Trước đây, cứ mỗi dịp cuối tuần, chị Mỹ Hà, phường Vinh Tân (TP. Vinh - Nghệ An) lại đến các siêu thị lớn trên địa bàn để mua sắm những mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt trong một tuần. Tuy nhiên, từ ngày gần nhà có các cửa hàng tiện lợi, chị Hà không còn phải tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần như trước mà hàng ngày chỉ càn dành 10 -15 phút là có thể mua được đồ tươi ngon về chế biến cho bữa trưa nấu vội.
Bất kể thời gian nào trong ngày người tiêu dùng cũng có thể chọn cho mình những thực phẩm tươi ngon mà không cần ra chợ hoặc tới các siêu thị lớn |
Chia sẻ lý do thay đổi thói quen, chị Hà cho biết: Đã từ 2 năm trở lại đây, tôi ít đi chợ truyền thống vì hàng mua ở chợ phần lớn không có nguồn gốc rõ ràng nên thường dành ra một buổi chiều cuối tuần để đi siêu thị mua đồ dùng dần trong tuần. Thời gian gần đây, tôi không phải đi xa mua đồ như trước nữa vì xung quanh khu dân cư của gia đình đã có mấy cửa hàng tiện lợi mọc lên. Mua sắm ở đây cho tôi cảm giác yên tâm hơn so với chợ bên ngoài. Hàng hóa đa dạng được gắn nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc rõ ràng. Thực phẩm tươi sống được bảo quản trong tủ lạnh...”.
Theo đại diện của siêu thị Vinmart Nghệ An, trên thực tế hầu hết chuỗi cửa hàng tiện lợi là mô hình bán lẻ mở rộng của các nhà bán lẻ lớn với hệ thống phân phối, bán lẻ đa dạng. Do đó, khi mua sắm tại chuỗi cửa hàng tiện lợi, ngoài những tiện ích về sản phẩm, dịch vụ đặc thù, thì khách hàng cũng được thụ hưởng những ưu đãi đồng bộ trên toàn hệ thống phân phối, bán lẻ của doanh nghiệp. "Chất lượng và giá cả hàng hóa cũng được niêm yết đồng bộ nên tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian mua sắm khi đi cửa hàng tiện lợi thay cho đến trung tâm thương mại, siêu thị đông đúc. Chính sách dành cho khách hàng thân thiết, quà tặng lễ, Tết, dịch vụ chăm sóc khách hàng... được nhà bán lẻ áp dụng và phục vụ không có sự khác biệt giữa các mô hình bán lẻ trong cùng hệ thống, nên người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi…", vị này cho biết thêm.
Nở rộ kênh bán hàng online
Chưa bao giờ lĩnh vực thương mại điện tử lại có tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Ngày càng nhiều doanh nghiệp địa phương triển khai bán hàng online trên website, facebook hay Zalo... Trước bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An nhận định bán hàng online là xu hướng tất yếu của thị trường, nếu không kịp thời bắt nhịp chuyển động thị trường thì khó giữ vững thị phần và khách hàng.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị |
Nếu như trước đây, hoạt động mua bán online chỉ nở rộ vào thời điểm trước Tết, thì những năm gần đây, hoạt động mua bán online ngày càng sôi động. Một phần nguyên nhân là do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, người tiêu dùng muốn tránh xa đám đông nhiều hơn, hạn chế đi đến siêu thị, trung tâm mua sắm, các dịch vụ trực tuyến vì thế ngày càng phát triển và thu hút thêm nhiều khách hàng mới.
Các nhà bán lẻ truyền thống cũng không đứng ngoài cuộc. Chẳng hạn, các nhà bán lẻ truyền thống như Metro, BigC hay Macximax... đều có trang web hay App bán hàng, nơi các thành viên của siêu thị nếu mua sắm cũng được hưởng đầy đủ quyền lợi như đến tại siêu thị. Theo đại diện chuỗi siêu thị Vinmart ở Nghệ An, các hệ thống triển khai giao hàng tận nhà tất cả các nhóm hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, mì ăn liền, dầu ăn, nước tinh khiết; nhóm hóa phẩm; nhóm đồ dùng gia đình… Hệ thống cũng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm đảm bảo lượng hàng phục vụ người dân tại các siêu thị dồi dào về số lượng và chủng loại, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, giá cả ổn định.
Ông Nguyễn An Khang - Giám đốc BigC Vinh - cho biết, dịch Covid-19 đã tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó có kênh bán hàng online. Dịp Tết âm lịch vừa qua đã ghi nhận sự bùng nổ về mức độ mua sắm của người tiêu dùng với kênh online. Cụ thể, từ khi dịch bệnh xuất hiện, siêu thị đẩy mạnh bán hàng online, mỗi ngày bán trên 150 triệu đồng tiền hàng online, theo đó tăng trưởng lên đến 30 - 40%... "Để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, hệ thống siêu thị Big C Vinh đang tăng cường hình thức bán hàng qua điện thoại, đặt hàng qua Facebook, Zalo… người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon...", ông Khang cho biết thêm.
Ngoài ra Sàn thương mại điện tử của Sở Công Thương Nghệ An cũng cung cấp gian hàng cho doanh nghiệp với hình thức tài khoản online để doanh nghiệp chủ động chia sẻ thông tin, hình ảnh, sản phẩm… và chăm sóc gian hàng, khách hàng của mình. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp truyền thống giải quyết vấn đề về chiến lược kinh doanh, gồm: phát triển kênh bán hàng online, quảng bá thương hiệu online.